The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Long - Vững bước trên đường phát triển và hội nhập

Trong xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế, Vĩnh Long đang nỗ lực "tái cơ cấu", nâng chất nền kinh tế với việc đa dạng hóa sản phẩm công nghiệp- dịch vụ, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, hướng tới nền kinh tế xanh... góp phần tăng trưởng kinh tế, nâng cao đời sống người dân! Sức bật từ những nhân tố mới Từ một tỉnh thuần nông, lạc hậu, Vĩnh Long đã và đang có nhiều chính sách nhằm chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp- xây dựng và thương mại- dịch vụ. Hoạt động xuất khẩu từ chỗ quy mô nhỏ, chủ yếu là sơ chế xuất khẩu thô các loại nông sản như: lúa gạo, trái cây, thủy sản, trứng vịt,... đã từng bước hình thành ngành công nghiệp chế biến nông- thủy sản xuất khẩu, gia tăng giá trị cho các sản phẩm của nông dân.
Theo ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương nhận định: "Trước đây xuất khẩu phụ thuộc ngành lúa gạo, thủy sản, thì nay các sản phẩm may mặc, giày da, thủ công mỹ nghệ... đã chia bớt áp lực". Thực tế từ cuối năm 2013 đến 8 tháng của năm 2014, tình hình xuất khẩu gạo gặp rất nhiều khó khăn, chẳng hạn 8 tháng năm 2014 xuất khẩu gạo đã giảm hơn 50% cả về lượng lẫn giá trị, bên cạnh hàng thủy sản giảm hơn 72% so cùng kỳ... đã kéo tổng kim ngạch xuất khẩu giảm đáng kể.
Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu khác như giày dép, dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, rau củ quả... dù chưa phải là những ngành xuất khẩu chủ lực, nhưng được dự báo là nhân tố góp phần tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu trong tương lai. Công nghiệp Vĩnh Long phát triển theo hướng bền vững, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) không ngừng cải thiện, năm sau luôn cao hơn năm trước.
Đặc biệt, Vĩnh Long đã định hình khu công nghiệp "kiểu mẫu" Hòa Phú giai đoạn 1 và kêu gọi đầu tư giai đoạn 2. Khu công nghiệp Bình Minh ưu tiên những dự án công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường. Tuyến công nghiệp Cổ Chiên càng sôi động...
Theo ông Phạm Thành Khôn- Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Vĩnh Long đã và đang tạo ra nhiều sản phẩm, dự án hướng tới nền kinh tế xanh như: các sản phẩm chế biến thực phẩm sạch, đạt tiêu chí môi trường (mì không chiên, nước mắm).
Các dự án như: Nhà máy xử lý rác thải, sản xuất vật liệu xây dựng không nung, sản xuất củi trấu và rơm rạ, nhà máy chế biến trái cây, khu đô thị xanh,...
Cùng với đó, những dòng sản phẩm từ nhà máy bia 600 tỷ đồng của Công ty CP Bia Sài Gòn- Vĩnh Long, kỳ vọng đóng góp quan trọng vào ngân sách (dự kiến khoảng 300 tỷ đồng/năm). Ngành công nghiệp "không khói" cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của tỉnh. Với Vĩnh Long, "du lịch sinh thái sông nước miệt vườn" đã thành thương hiệu được du khách yêu thích hình thành những sản phẩm độc đáo.
Hiện có 23 cơ sở loại hình homestay "Tây ở nhà ta" đang hoạt động đầy đủ các dịch vụ lưu trú, 10 điểm phục vụ trái cây theo mùa, có khả năng phục vụ 1.000 khách mỗi ngày. Công nghiệp "không khói" đem về doanh thu hàng trăm tỷ đồng và còn là "sứ giả" quảng bá hình ảnh của "tỉnh đất học" tươi đẹp, thân thiện và hiếu khách. Trung tâm Xúc tiến đầu tư và Hỗ trợ doanh nghiệp Tỉnh vẫn chưa thúc đẩy được dự án có vốn đầu tư quy mô lớn, công nghệ hiện đại, có tác dụng lôi kéo, thúc đẩy việc phát triển của nhiều ngành, nghề sản xuất kinh doanh, đóng góp nhiều vào giá trị sản xuất công nghiệp. Phần lớn dự án đầu tư thời gian qua là những dự án nhỏ, khả năng tài chính không mạnh và chưa đóng góp nhiều cho nguồn thu ngân sách. Ngành nông nghiệp dần chuyển hướng cơ giới hóa, hiện đại hóa, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật giúp nông dân làm giàu. Những mặt hàng nông sản chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP ngày càng nhiều.
Những "cánh đồng mẫu lớn" mở ra hướng sản xuất liên kết bền vững. Đặc biệt, đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững giai đoạn 2014- 2020, đã được Tỉnh ủy Vĩnh Long ban hành, tạo tiền đề xây dựng nền nông nghiệp tăng trưởng bền vững, hiệu quả và có khả năng cạnh tranh.
Trên đường phát triển và hội nhập Kinh tế Vĩnh Long đã có những bước tiến vượt bậc và trở thành điểm đến đầu tư được nhiều doanh nghiệp quan tâm.
Ông Vũ Ngọc Tú- Phó Giám đốc Sở Công thương, nhận định nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư, sản xuất kinh doanh tại Vĩnh Long ngày càng năng động tận dụng chủ trương chính sách của tỉnh, nắm bắt cơ hội phát triển, tạo ra những nhân tố tăng trưởng mới với sản phẩm phong phú, đầu tư chắc chắn hơn.
Chủ tịch UBND tỉnh- Nguyễn Văn Diệp từng khẳng định: "Tiềm năng và ưu thế về đầu tư vào Vĩnh Long là rất lớn. Chắc chắn nhà đầu tư đến với Vĩnh Long sẽ đạt được những hiệu quả tốt nhất".
Giám đốc một doanh nghiệp đầu tư nhiều năm tại Vĩnh Long, nói rất thật: "So với hơn 10 năm trước, Vĩnh Long đã thay đổi rất nhiều và nguồn nhân lực có tay nghề ngày càng cao. Như cơ sở hạ tầng tốt, giao thông rút ngắn khoảng cách với các thành phố lớn.
Công nghệ thông tin, viễn thông rất tốt; y tế giáo dục phát triển... phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Lực lượng lao động từ những không nghề, không tác phong công nghiệp đã trở thành những công nhân chuyên nghiệp, tay nghề giỏi".
Đặc biệt theo các nhà đầu tư, môi trường đầu tư ở Vĩnh Long ngày càng thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Là một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, De Hues- Hà Lan từ sản xuất thức ăn gia súc, tiến tới thức ăn thủy sản, đầu tư trang thiết bị, máy móc tăng cường hiệu quả, nâng cao chất lượng. Và đã có kế hoạch đầu tư xây dựng dự án Trại thực nghiệm Thủy sản tại xã Mỹ An (Mang Thít) khoảng 3 triệu USD. Theo Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ doanh nghiệp (Sở Kế hoạch và Đầu tư), trong 6 tháng đầu năm 2014, đã có 15 lượt nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu đầu tư tại Vĩnh Long, trong đó có 5 lượt đầu tư nước ngoài như: Đài Loan, Hàn Quốc, Thái Lan, Hà Lan, Trung Quốc.
Sau khi đàm phán có 5 dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng mức đầu tư đăng ký khoảng 1.729,7 tỷ đồng, trong đó có 100.000 USD của 1 nhà đầu tư nước ngoài. Vĩnh Long đã nghiên cứu vận dụng xây dựng các cơ chế ưu đãi, khuyến khích đầu tư riêng của từng địa phương trong khuôn khổ cho phép ở tất cả ngành kinh tế như: chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chính sách khuyến khích phát triển nghề và làng nghề nông thôn...
Đó là sự mạnh dạn đổi mới thủ tục hành chính, tập trung vào tính minh bạch của chính quyền, củng cố niềm tin của doanh nghiệp đối với các thiết chế pháp lý, nâng cao hiệu quả các phương thức giải quyết tranh chấp hợp đồng, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho doanh nghiệp. Thể hiện qua chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) các năm qua, Vĩnh Long luôn đứng ở vị trí cao trong khu vực ĐBSCL.

Trần Phước

Theo Báo Vĩnh Long Online

Ngày 02/09/2014