Vĩnh Phúc: Cải thiện Chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp
03 Tháng 6, 2024
Sự giảm điểm và tụt hạng của chỉ số Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (DN) (xếp hạng thứ 50/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với 5,81 điểm, giảm 0,8 điểm và tụt 46 bậc so với năm 2022; thấp hơn trung bình cả nước 0,64 điểm) là một trong những nguyên nhân dẫn đến Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2023 của tỉnh giảm 7 bậc so với năm 2022. Điều này đòi hỏi các ngành chức năng cần tập trung triển khai các giải pháp cải thiện, tạo sự bứt phá chỉ số PCI trong năm 2024 và các năm tiếp theo, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, giúp DN phát triển.
Cán bộ Sở Công thương tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh tích cực hướng dẫn đại diện các doanh nghiệp thực hiện thủ tục hành chính. Ảnh: Thế Hùng
So với cả nước, năm 2023, có 2 chỉ tiêu của chỉ số Chính sách hỗ trợ DN của tỉnh duy trì được điểm số và thứ hạng (chỉ tiêu tỷ lệ nhà cung cấp dịch vụ/tổng số doanh nghiệp; chỉ tiêu tỷ lệ nhà cung cấp tư nhân và nước ngoài/tổng số nhà cung cấp dịch vụ) và 2 chỉ tiêu tăng trưởng về điểm số và thứ hạng (chỉ tiêu vướng mắc trong thực hiện các văn bản thực thi các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được cơ quan Nhà nước địa phương giải đáp hiệu quả tăng 34%, tăng 38 hạng so với năm 2022; chỉ tiêu tỷ lệ DN có biết đến các chương trình hỗ trợ DN tận dụng cơ hội của các FTAs, tuy giảm về điểm số nhưng tăng 1 bậc so với năm 2022).
Còn lại hầu hết các chỉ tiêu thành phần (9/13 chỉ tiêu thành phần) đều bị sụt giảm sâu về điểm số và thứ hạng, xếp ở vị trí khá thấp trong 63 tỉnh/thành phố như thủ tục cấp bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; thủ tục để được giảm giá thuê mặt bằng tại khu công nghiệp, cụm công nghiệp; thủ tục để được miễn, giảm chi phí tham gia các khóa đào tạo có sử dụng ngân sách nhà nước về khởi sự kinh doanh và quản trị DN; tỷ lệ DN đánh giá việc thực hiện thủ tục để hưởng hỗ trợ từ chương trình hỗ trợ DN tận dụng cơ hội từ các FTAs…
Trên thực tế, còn rất nhiều DN, đặc biệt các DN nhỏ chưa tiếp cận được thông tin về các kênh hỗ trợ DN chính thức từ cơ quan Nhà nước. Hầu hết những nhà quản lý, DN đều thiếu thông tin đầy đủ và chính xác về những dịch vụ đang có trên thị trường.
Sự gắn kết giữa các hội, hiệp hội DN với các DN trên địa bàn tỉnh còn chưa chặt chẽ. Tính năng động, tiên phong của các cấp chính quyền đã được cải thiện, tuy nhiên cần được nâng cao hơn nữa mới đáp ứng được kỳ vọng của DN khi thực hiện các thủ tục hành chính và giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong sản xuất, kinh doanh...
Nhờ tham gia các chương trình triển lãm, hội chợ xúc tiến thương mại tổ chức trong và ngoài tỉnh, các sản phẩm của Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu (Tam Đảo) ngày càng được nhiều người tiêu dùng biết đến, tin tưởng và lựa chọn sử dụng. Ảnh: Thế Hùng
Nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng và nâng cao chất lượng các chính sách hỗ trợ DN; phấn đấu chỉ số Chính sách hỗ trợ DN của tỉnh thuộc top 30 tỉnh, thành phố có chỉ số tốt nhất cả nước, tỉnh tăng cường sự tham gia của DN trong quá trình xây dựng chính sách; tổ chức các diễn đàn, hội thảo để DN đóng góp ý kiến và chủ động tiếp thu, giải quyết kiến nghị, đề xuất của DN.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, đặc biệt là các vấn đề liên quan đến đất đai, lao động, thuế, thủ tục hành chính thuộc trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Đẩy mạnh công tác hỗ trợ, đảm bảo công tác chăm sóc nhà đầu tư tại chỗ và tạo điều kiện đẩy mạnh xúc tiến đầu tư trong và ngoài nước với sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của các DN tại tỉnh, giúp các DN mở rộng thị trường, tăng cường sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.
Xây dựng chuyên mục thông tin, giới thiệu về khối DN cung cấp dịch vụ đến cộng đồng DN trong tỉnh trên Cổng thông tin điện tử tỉnh, Cổng thông tin hỗ trợ DN tỉnh và các trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương để các DN dễ dàng tra cứu và kích thích nhu cầu sử dụng dịch vụ do các DN trong tỉnh cung cấp.
Tổ chức các hoạt động giới thiệu, thông tin cầu nối và kết nối giữa nhà cung cấp dịch vụ về xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, tư vấn pháp lý, đào tạo… với các DN trên địa bàn tỉnh.
Để đạt các mục tiêu trên, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tích cực phối hợp với Sở Công thương triển khai đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư.
Chỉ đạo quyết liệt việc triển khai các chính sách hỗ trợ DN của tỉnh đã ban hành, giao các đơn vị chủ trì nhiệm vụ ở từng nhóm chính sách hướng dẫn DN về thủ tục hồ sơ nhanh chóng, thuận tiện, tạo điều kiện để DN tiếp cận, sớm được thụ hưởng chính sách, đưa thêm nguồn lực hỗ trợ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Giao Sở Công thương chủ trì, phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề về các chính sách, Hiệp định Thương mại tự do FTA, FTAs... kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của DN trong việc thực thi các Hiệp định.
Giao Hiệp hội DN tỉnh là đầu mối, cầu nối, kết nối giữa các cơ quan quản lý Nhà nước và các DN tìm hiểu và giải đáp những vướng mắc trong việc tiếp cận các thủ tục để được hỗ trợ nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh; định kỳ tổ chức hội nghị, hội thảo để lãnh đạo UBND tỉnh gặp gỡ, trao đổi, nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN...