The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Phúc: Địa phương điển hình cho nỗ lực cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc thị sát tại 1 doanh nghiệp.

Thẳng thắn nhìn lại mình

Thực tế, chỉ số PCI của tỉnh Vĩnh Phúc có lúc thuộc nhóm thấp của cả nước. Ví dụ, năm 2012, PCI Vĩnh Phúc chỉ xếp thứ 43/63 tỉnh, thành phố. Tuy nhiên, chính quyền và hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã thẳng thắn nhìn lại những vấn đề của mình để khắc phục.

Ông Đường Trọng Khang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ, khởi đầu của hành trình cải thiện vị thế bắt đầu ngay những ngày đầu năm 2013 khi lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp cùng với các ban, ngành liên quan xây dựng, phê duyệt Đề án cải thiện, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, giai đoạn 2013-2015.

Ông Lê Duy Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh, Hiệp hội Doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc tìm hiểu, phản hồi thông tin. Cụ thể, hằng quý, hằng tháng, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh đã đều đặn tiến hành khảo sát từ 50-90 doanh nghiệp (DN), nắm rõ xem các DN đang gặp vấn đề gì về môi trường kinh doanh.

Hằng tuần, các doanh nghiệp được trực tiếp trao đổi các vấn đề với lãnh đạo tỉnh để kịp thời tháo gỡ.

Đối thoại cởi mở, cải cách thực chất

Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thép Việt Đức. Ảnh: VGP/Huy Thắng

Ông Lê Minh Hải, Tổng giám đốc Công ty cổ phần sản xuất thép Việt Đức, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam phân tích: Nhà máy sản xuất thép ở Vĩnh Phúc nằm ở vị trí tương đối xa bến cảng, chi phí vận chuyển cao hơn nhưng doanh nghiệp vẫn quyết tâm đầu tư tại địa phương này.

Ông Hải chia sẻ dự định tiếp tục mở rộng đầu tư từ quy mô 6 ha lên 20 ha với 3 nhà máy, thu hút thêm nhiều lao động từ chuyên môn đến phổ thông.

Còn bà Nguyễn Thị Nhi, người làm công tác tài chính lâu năm của doanh nghiệp Việt Đức cho biết: Thủ tục thuế hải quan đã được cải thiện nhiều, đặc biệt trong những năm gần đây, nhờ đó doanh nghiệp tiết kiệm được khá nhiều chi phí.

“Quá trình cải thiện môi trường kinh doanh thật sự được đẩy mạnh từ khi lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc bắt đầu tổ chức các cuộc đối thoại giữa thuế, hải quan, doanh nghiệp. Đặc biệt, trách nhiệm người đứng đầu được nâng lên cùng với việc ra đời Nghị quyết 19 của Chính phủ đã và đang tạo áp lực cần thiết đối với các bộ, ngành cũng như thúc đẩy các địa phương phải vào cuộc nhằm cải thiện chỉ số PCI tỉnh mình”, đại diện doanh nghiệp Việt Đức tâm đắc.

Có nhận xét tương tự, đại diện một doanh nghiệp FDI, ông Chao Wen Hsiang, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Công nghiệp chính xác Việt Nam 1 (VPIC 1), công ty đạt doanh thu năm 2015 khoảng 121 triệu USD, xuất khẩu đi các nước như Nhật, châu Âu…cũng đánh giá cao những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Vĩnh Phúc. Tỉnh đã có nhiều cải tiến trong thủ tục hải quan, đối thoại cởi mở hơn, cập nhật văn bản mới diễn ra thường xuyên, giúp xóa bỏ khoảng cách, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho doanh nghiệp.

Hài hòa lợi ích và phát triển bền vững

Ông Lê Duy Thành khẳng định giải quyết hài hòa lợi ích cũng là vấn đề mà lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc hết sức quan tâm. Tỉnh Vĩnh Phúc luôn xác định nông nghiệp là mặt trận quan trọng, nhưng hiện một số khu đất nông nghiệp có suất đầu tư thấp, khiến người dân bỏ ruộng nhiều, hoặc cho thuê lại với giá 1,5-1,7 triệu đồng/sào/năm, số tiền đó không đủ để ổn định đời sống bà con, chưa nói đến phát triển.

“Trong khi đó, 1 sào ruộng được đền bù theo giá Nhà nước là 80 triệu đồng, nếu chỉ gửi ngân hàng với lãi suất gần 7,5%/năm thì được khoảng gần 6 triệu đồng/năm”, ông Thành đặt phép tính.

Chỉ số PCI 2015 của tỉnh Vĩnh Phúc đã vươn lên vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành phố, tăng 2 bậc so với năm 2014 và tăng 29 bậc so với 2012. Trong đó, theo cơ quan chủ trì khảo sát VCCI đánh giá, năm 2015, Vĩnh Phúc là một trong số ít các địa phương trên cả nước có chất lượng điều hành được DN đánh giá rất tốt với 62,56 điểm.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch Lê Duy Thành cho biết thêm, các khu vực chăn nuôi bò sữa (phải di dời dành đất cho dự án đầu tư mới) sớm hay muộn cũng phải quy hoạch lại bài bản hơn để tránh ô nhiễm.

Trước mắt, Sở NN&PTNT Vĩnh Phúc đang tính toán các khu thay thế nhằm bảo đảm nhu cầu chăn nuôi của bà con, những người không muốn chuyển đổi nghề. Ở tầm nhìn dài hơn, lãnh đạo tỉnh cũng tính đến bài toán khi hội nhập TPP, thị trường mở cửa, hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khó cạnh tranh với sữa từ New Zealand, Hà Lan, Thái Lan…, nếu không thay đổi lại cách thức làm ăn sẽ khó tham gia vào chuỗi giá trị quốc tế.

“Mọi hoạt động đầu tư đều thực hiện theo đúng quy định, quy trình, với quan điểm phát triển hài hòa công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh luôn đặt mục tiêu cuối cùng làm sao để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân”, ông Lê Duy Thành cam kết.

Về vấn đề môi trường, ông Cao Đình Thi, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển hạ tầng Vĩnh Phúc, một doanh nghiệp chuyên xây dựng hạ tầng khu công nghiệp để cho thuê, chia sẻ: Vĩnh Phúc hiện có khá nhiều tập đoàn lớn đầu tư, do đó, địa phương khá “kén” trong việc lựa chọn doanh nghiệp. Các dự án phải có chọn lọc, đạt tiêu chuẩn suất đầu tư khá cao và bảo đảm không ô nhiễm môi trường. Thậm chí, không ít dự án đầu tư có hóa chất gây ô nhiễm, dù lãi cao cũng bị từ chối.

Anh Minh