The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Phúc: Doanh nghiệp cần các hành động cụ thể

Vĩnh Phúc đang nỗ lực hết sức để tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng DN phát triển. Đặt mục tiêu vào năm 2020 sẽ có 10 nghìn DN hoạt động trên địa bàn, từ con số hơn 7,1 nghìn DN hiện nay, Vĩnh Phúc – địa phương có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) nằm trong TOP đầu cả nước – đang nỗ lực hết sức để tạo môi trường thuận lợi cho cộng đồng DN phát triển.

Một chương trình hành động để hỗ trợ DN từ nay tới năm 2020 với dày đặc các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng sở, ban, ngành, đoàn thể đã được đưa ra. Tinh thần nhất quán là cùng với việc tạo mọi điều kiện thuận lợi để DN hoạt động, UBND tỉnh nghiêm cấm các sở, ban, ngành, UBND các cấp trực thuộc có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà với DN.

Nhìn vào chương trình hành động này, có thể thấy rất nhiều nhiệm vụ, giải pháp cụ thể được đưa ra và đã bắt đầu được hiện thực hóa ngay trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Đơn cử như vấn đề kết nối NH-DN, NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch hành động số 640/KH-VPH ngày 19/8/2016 nhằm góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển DN trên địa bàn.

Trong kế hoạch hành động này, NHNN chi nhánh tỉnh đã xây dựng chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp, kế hoạch triển khai của Ngành trên địa bàn, nhằm thực hiện mục tiêu đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân, DN trong các giao dịch với TCTD, góp phần cải thiện Chỉ số tiếp cận tín dụng của Ngành; đồng thời xây dựng các chỉ tiêu hoạt động cụ thể tạo điều kiện cho phát triển sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế – xã hội của tỉnh.

NHNN chi nhánh tỉnh Vĩnh Phúc cũng thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các chi nhánh TCTD trên địa bàn chủ động tổ chức kết nối với DN dưới nhiều hình thức, tìm hiểu thị trường, tìm kiếm khách hàng để đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng đã đề ra, góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN.

Theo đó, các NH đã rất chủ động triển khai bằng một số biện pháp như: tổ chức hội nghị khách hàng; tích cực mở rộng tìm kiếm khách hàng mới; rà soát lại các khách hàng DN đang có quan hệ vay vốn để xem xét nâng hạn mức tín dụng, cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất; tăng cường tuyên truyền rộng rãi các chương trình cho vay ưu đãi để thu hút khách hàng DN…

Nhờ đó, đến 30/9/2016, hệ thống NH trên địa bàn Vĩnh Phúc đã cho vay 2.216 DN, với dư nợ đạt 16.998 tỷ đồng, chiếm 44,5% tổng dư nợ, tăng 20,13% so với cuối năm 2015. Số liệu lũy kế từ đầu chương trình đến nay, các chi nhánh TCTD trên địa bàn đã cho vay mới được 1.570 DN với dư nợ đạt 15.631 tỷ đồng, cho vay ưu đãi lãi suất 3.860 lượt DN với số tiền 22.440 tỷ đồng.

Mặt bằng lãi suất cho vay ở mức hợp lý, hiện phổ biến ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn và 9-10%/năm đối với trung, dài hạn cho các lĩnh vực ưu tiên. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn, 9-11%/năm đối với trung và dài hạn. Riêng đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay chỉ từ 5-6%/năm.

Cần nhân rộng ra các địa phương

Những thay đổi nêu đã và đang xóa bỏ các rào cản trong việc tiếp cận tín dụng của DN. Chính vì thế mà tại buổi đối thoại với DN trên địa bàn do UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức tháng 9 vừa qua, các khó khăn được các DN nêu ra chủ yếu liên quan đến vấn đề đất đai, giải phóng mặt bằng, thuế…

Chỉ có một ý kiến duy nhất liên quan đến ngành NH là đề nghị nâng tỷ lệ vay vốn và hỗ trợ DN nữ. Vấn đề này đã được ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc NHNN tỉnh cho ý kiến giải đáp ngay. Theo đó, dù nguồn vốn hiện dồi dào và lãi suất cho vay ở mức hợp lý nhưng các NH chỉ có thể cho vay theo nhu cầu và khả năng sử dụng vốn của từng dự án, dựa trên hồ sơ vay vốn của khách hàng và được NH đánh giá một cách độc lập.

“Việc cho vay ở mức độ phù hợp với từng dự án là để đảm bảo nguồn vốn được sử dụng đúng mục đích, tránh tình trạng bị chuyển sang mục đích khác sẽ không hiệu quả, thậm chí gây ra hệ lụy về sau cho cả DN, NH và nền kinh tế”, ông Tâm nói và đề nghị các hiệp hội của tỉnh thống kê nhu cầu vốn, vướng mắc cụ thể của từng DN, nếu có, để NHNN xem xét giải quyết kịp thời.

Về dài hạn, để thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về Hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020, NHNN chi nhánh Vĩnh Phúc cũng đã đề ra mục tiêu cụ thể là phấn đấu bình quân mỗi năm cho vay mới khoảng 110 DN với dư nợ tăng 1.200-1.500 tỷ đồng (tương đương tỷ lệ tăng từ 20-22%). Phấn đấu đến năm 2020, số lượng DN tiếp cận vốn NH đạt khoảng 2.600 DN, với tổng dư nợ cho vay đạt 25.000 tỷ đồng, chiếm 50% tổng dư nợ.

Dù những con số mà Vĩnh Phúc và ngành NH nơi đây đặt ra còn khiêm tốn so với các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh… nhưng đây là tín hiệu đáng mừng.

Nó thể hiện chủ trương cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển DN của Chính phủ đã từng bước đi vào cuộc sống của từng địa phương. Vì thế, nếu tất cả các tỉnh thành khác cũng đồng lòng, quyết tâm và có các giải pháp đồng bộ để triển khai quyết liệt thì mục tiêu đến năm 2020 cả nước có hơn một triệu DN không phải là xa vời.

Mới đây, 21 tỉnh, thành phố đã cùng VCCI ký cam kết về việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho DN. Như vậy, chỉ sau 4 tháng kể từ khi có cuộc đối thoại (ngày 29/4) của Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng DN, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đã ký cam kết thực hiện thỏa thuận này.

Tuy nhiên, điều quan trọng hơn là cộng đồng DN sẽ nhìn vào những động thái cụ thể của lãnh đạo địa phương trong việc thực hiện chương trình hành động này như thế nào sau khi ký cam kết. Và chỉ có sự thuận lợi thực sự, vì DN thực sự mới giúp số lượng DN thành lập mới tăng lên, số lượng DN làm ăn hiệu quả tăng lên, qua đó góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế đất nước.

Đỗ Lê

VFPRESS