The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Phúc: Giải pháp nâng cao chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

Bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 cho thấy, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN) có 13/24 chỉ tiêu bị giảm điểm. Với quyết tâm tăng điểm, xếp hạng thứ 20/63 tỉnh, thành, hiện nay, các sở, ban, ngành của tỉnh đang nỗ lực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, tạo lập môi kinh doanh thông thoáng, tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN trên địa bàn, góp phần đưa chỉ số PCI của tỉnh nằm trong tốp 10 trên cả nước.
Năm 2019, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh xếp thứ 36/63 tỉnh, thành, tăng 1 bậc so với năm 2018. (Ảnh chụp tại Công ty cổ phần công nghệ Á Mỹ, KCN Thái Hòa- Liễn Sơn- Liên Hòa)
Là 1 trong 10 chỉ số thành phần đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN là công cụ đo lường và đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động, chương trình và chính sách nhằm tạo điều kiện hỗ trợ DN nhỏ và vừa, bao gồm xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, đào tạo về quản trị kinh doanh.
Toàn tỉnh hiện có trên 11.000 DN đăng ký hoạt động, trong đó, 95% doanh nghiệp vừa và nhỏ; nếu được cung cấp thường xuyên, có chất lượng, những chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị hoạt động hiệu quả, nâng cao giá trị SXKD, góp phần tăng thu ngân sách nhà nước.
Theo bảng xếp hạng PCI năm 2019 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố tháng 5/2020, chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN năm 2019 của tỉnh đạt 6,1 điểm, giảm 0,25 điểm, xếp thứ 36/63, tăng 1 bậc so với năm 2018.
Trong đó, có một số chỉ tiêu chỉ số thành phần dịch vụ hỗ trợ DN tăng như: DN tiếp tục có ý định tìm kiếm thị trường (tăng 0,3%); DN từng sử dụng dịch vụ tìm kiếm đối tác kinh doanh (tăng 22%); DN đã sử dụng dịch vụ nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ tìm kiếm đối tác kinh doanh (tăng 15%); DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ xúc tiến thương mại (tăng 6%) ...
Tuy nhiên, 13/24 chỉ tiêu còn lại bị giảm điểm như: Tỷ lệ doanh nghiệp cấp dịch vụ trên tổng số DN (giảm 0,22%); tỷ lệ DN cung cấp dịch vụ tư nhân và FDI trên tổng số DN cung cấp dịch vụ (giảm 9%); DN từng sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường (giảm 0,1%); DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ tìm kiếm thị trường (giảm 0,7%); DN có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ tìm kiếm đối tác kinh doanh (giảm 0,2%).
Điều này cho thấy, việc tiếp cận các dịch vụ cũng như cơ chế, chính sách hỗ trợ, chương trình xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật, tìm kiếm đối tác kinh doanh, đào tạo về quản trị kinh doanh đối với các DN trên địa bàn chưa nhiều.
Chia sẻ về nguyên nhân các chỉ số thành phần dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp tụt giảm, ông Phạm Văn Tuyến, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Kế hoạch, tài chính, tổng hợp, Sở Công thương cho biết: Sở Công thương đã xây dựng kế hoạch nâng cao chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN trong chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.
Riêng năm 2019, sở đã đề nghị cắt giảm 154 ngày giải quyết 47 thủ tục hành chính với DN; chuẩn hóa 121 thủ tục hành chính đưa ra thực hiện tại Trung tâm hành chính công và cập nhật phần mềm trên Internet. Tổ chức 1 hội nghị trợ giúp DN và triển khai các văn bản mới; 5 hội nghị về sản xuất sạch hơn; 4 hội nghị về thương mại điện tử.
Ngoài ra, liên kết website với VCCI giới thiệu những quy định về các điều ước quốc tế về thương mại mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia; phát hành bản tin “Công thương Vĩnh Phúc” hàng tháng gửi các cơ quan, đơn vị, DN trong tỉnh.
Tuy nhiên, số lượng các DN trên địa bàn tỉnh cung cấp các dịch vụ về công nghệ, xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, tư vấn pháp luật không nhiều. Thêm vào đó, DN lại thiếu chủ động trong công tác phối hợp với một số sở, ban, ngành, địa phương trong thực hiện một số dịch vụ liên quan đến tư vấn pháp luật, tìm kiếm thông tin thị trường, tìm kiếm đối tác đầu tư, kinh doanh chất lượng cao.
Việc tổ chức hội nghị, diễn đàn, đối thoại DN hay các sự kiện xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư hàng năm rất hạn chế về số lượng, quy mô, dẫn đến DN ít có cơ hội giới thiệu, tiếp cận thông tin các đối tác...
Để khắc phục những hạn chế trên, tiếp tục chủ động, quyết liệt trong việc tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngay từ đầu năm, Sở Công thương đã chủ động tham mưu, đề xuất các giải pháp giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động của DN trên địa bàn nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thông qua hội nghị, đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh.
Đồng thời, tạo lập môi trường thông thoáng, đơn giản hóa trình tự, thủ tục, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các KCN, cụm công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư; DN có nhu cầu xây dựng trang thông tin thương mại điện tử...