The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Phúc: Nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai

So với năm 2012 chỉ số tiếp cận đất đai của tỉnh năm 2015 tăng 0,35 điểm và 30 bậc, xếp vị trí thứ 23/63 trong toàn quốc; góp phần tăng năng lực cạnh tranh của tỉnh trong việc thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhờ đó, các doanh nghiệp gặp thuận lợi hơn trong việc tiếp cận đất đai và yên tâm về sự ổn định của mặt bằng kinh doanh.

Cán bộ bộ phận một cửa Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận và trả kết quả cho tổ chức cá nhân đến giao dịch. Ảnh Nguyễn Lượng

Để cải thiện tốt hơn chỉ số tiếp cận đất đai nhằm không ngừng nâng cao chỉ số PCI qua từng năm, tỉnh ta coi việc nâng cao chỉ số tiếp cận đất đai và sử dụng đất ổn định là nhiệm vụ quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường đất đai thông thoáng, hấp dẫn và thuận lợi cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư kinh doanh.

Tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT tập trung tinh giảm các thủ tục hành chính (TTHC) trong lĩnh vực quản lý đất đai, giải quyết cơ bản các khó khăn vướng mắc của các tổ chức, doanh nghiệp, người dân liên quan đến việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất…; cung cấp thông tin quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giúp các tổ chức, cá nhân dễ dàng tiếp cận các thông tin về sử dụng đất, đảm bảo công khai, minh bạch trong lĩnh vực tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất. Thời gian qua, Sở TN&MT đã tiến hành rà soát, cải cách và tinh giản và rút ngắn thời gian một số thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai, như: Thời gian thực hiện công tác giao đất, thu hồi, cho thuê đất là 20 ngày (giảm 10 ngày); thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là 15 ngày (giảm 10 ngày). Thực tế thì những dự án có quy mô nhỏ, thủ tục đầy đủ, thời gian giải quyết còn được rút ngắn hơn.

Minh bạch hóa thông tin thông qua việc công khai quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 đã tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư dễ dàng tìm hiểu, tiếp cận thông tin về đất đai và mặt bằng sản xuất. Bên cạnh đó, Sở TN&MT thực hiện việc rà soát, điều tra đối với từng loại đất, theo từng vùng đảm bảo sát với giá đất thực tế trên thị trường; hướng dẫn các chủ đầu tư, các doanh nghiệp trong việc tiến hành các thủ tục bàn giao đất, thuê đất, thực hiện đầu tư đảm bảo thuận lợi, môi trường thân thiện; tập trung tháo gỡ những vướng mắc trong công tác bồi thường; xử lý, giải quyết dứt điểm các trường hợp còn tồn tại, vướng mắc trong công tác cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất... Tính trong 3 năm gần đây trên địa bàn tỉnh đã thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho tổ chức sử dụng đất vào mục đích sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp là 1.622 giấy chứng nhận với tổng diện tích là 16.525.719m2.

Trong thời gian tới, Sở TN&MT tăng cường phối hợp với các sở, ngành, địa phương rà soát, đề xuất UBND tỉnh kiến nghị hoàn thiện các cơ chế, chính sách, quy định của pháp luật về quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả tài nguyên, đất đai. Đề xuất cơ chế, chính sách phù hợp tạo quỹ đất sạch tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh và phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội. Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch sử dụng đất điều chỉnh đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ cuối (2016-2020) của cấp huyện trình cấp có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện và công bố công khai, đầy đủ thông tin quy hoạch, tích cực hướng dẫn các doanh nghiệp nghiên cứu lập dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, có kế hoạch tiếp cận việc sử dụng đất. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, thường xuyên kiểm tra, giám sát; hoàn thiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

Đẩy nhanh tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho các tổ chức theo chỉ đạo của Chính phủ và của UBND tỉnh, trong đó đặc biệt giảm các chi phí về thủ tục hồ sơ khi cấp giấy chứng nhận, coi đây là biện pháp quan trọng để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp hiện nay. Áp dụng thời hạn giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư theo thời hạn hoạt động của dự án đầu tư được phê duyệt. Áp dụng thời gian sử dụng đất tối đa (50 năm) đối với các dự án đủ điều kiện. Các dự án đã giao đất, thuê đất với thời hạn ngắn hơn, nhưng có thời hạn hoạt động phù hợp thì được xem xét, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất tối đa để doanh nghiệp yên tâm đầu tư, sử dụng đất. Triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin về giá đất, công khai, minh bạch giá đất để các nhà đầu tư quan tâm có cơ sở tiếp cận, nghiên cứu tham gia thị trường. Nghiên cứu hoàn thiện cơ chế hỗ trợ về tài chính cho doanh nghiệp khi Nhà nước thu hồi đất, giải phóng mặt bằng để tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định, phát triển sản xuất. Khai thác tốt các khu đô thị mới, khu tái định cư để phục vụ bố trí tái định cư cho các dự án của Nhà nước và các dự án của các nhà đầu tư; thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng, chính sách tái định cư, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra sử dụng đất của các tổ chức và kiên quyết thu hồi đất đối với các doanh nghiệp được giao đất, cho thuê đất, nhưng chậm triển khai hoặc vi phạm các quy định của Luật Đất đai, Luật Đầu tư.

Ngọc Thắng

Báo Vĩnh Phúc