The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Phúc: Nâng hạng chỉ số PCI: Lấy doanh nghiệp làm trung tâm

Với mục tiêu lấy doanh nghiệp (DN) là trung tâm để phục vụ, góp phần cải thiện chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương trên địa bàn tỉnh tiếp tục triển khai nhiều giải pháp thực hiện tốt cải cách hành chính (CCHC), tạo môi trường đầu tư thuận lợi, giúp DN ổn định sản xuất kinh doanh (SXKD).
Với sự hỗ trợ từ Cục Thuế tỉnh, nhân viên Công ty TNHH Cammsys Việt Nam áp dụng thành thạo hóa đơn điện tử, nâng cao hiệu quả công việc.Ảnh: Chu Kiều
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm số PCI năm 2021 của Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành phố; tăng 24 bậc so với năm 2020 và thuộc nhóm địa phương có chất lượng điều hành tốt. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, năm 2021, Vĩnh Phúc vẫn có một số chỉ số tụt hạng như: Tính minh bạch; gia nhập thị trường...
Để nâng cao chỉ số PCI trong năm 2022, UBND tỉnh giao nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành, lĩnh vực, địa phương chịu trách nhiệm nâng cao từng chỉ số thành phần, thành lập tổ giúp việc của Chủ tịch UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho DN; đường dây nóng được vận hành thông suốt, hoạt động hỗ trợ DN được đẩy mạnh...
Từ đầu năm 2022 đến nay, tỉnh thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chuyển đổi số theo “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đồng bộ với thực hiện CCHC; trong đó, chú trọng thực hiện rà soát và nâng cao hiệu quả triển khai dịch vụ công (DVC) trực tuyến, đẩy mạnh hơn nữa tiến độ thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt và phát triển thương mại điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) để minh bạch hóa quy trình, thủ tục...
Đẩy mạnh công tác CCHC nhà nước trên địa bàn, các thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng được công bố theo trình tự thực hiện và cắt giảm đến 20% thời gian giải quyết theo quy định của luật.
Thời gian thành lập DN được duy trì trong 3 ngày làm việc theo quy định của Luật DN; thời gian cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư không quá 15 ngày. UBND tỉnh đã thực hiện cắt giảm tối đa thời gian giải quyết TTHC đối với các TTHC thuộc lĩnh vực tài nguyên - môi trường; trong đó có thủ tục đất đai có thời hạn giải quyết từ trên 10 ngày trở lên.
Chú trọng các hoạt động hỗ trợ, đồng hành cùng DN phục hồi SXKD sau ảnh hưởng đại dịch Covid-19, tỉnh đã ban hành văn bản chỉ đạo tăng cường thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật trên địa bàn tỉnh và triển khai thực hiện việc Hỗ trợ pháp lý cho DN năm 2022.
Đồng thời, tổ chức một số hội nghị nhằm hỗ trợ, phổ biến và tăng cường tiếp cận pháp luật cho người dân và DN như: Tập huấn "Các chính sách ưu đãi thuế, hải quan cho DN năm 2022”; tập huấn, phổ biến, hướng dẫn các DN về các quy định, chính sách mới, các quy trình và thủ tục đầu tư, hướng dẫn công khai các TTHC theo cơ chế "Một cửa liên thông"; hỗ trợ DN tuyển dụng lao động tại các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh.
Bên cạnh đó, tăng cường hoạt động của Bộ phận hỗ trợ DN từ Nhật Bản tại tỉnh (Japan Desk Vĩnh Phúc); nâng cao trách nhiệm các cơ quan nhà nước tham gia hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân với chính quyền tỉnh nhằm tạo điều kiện tháo gỡ, giải quyết nhanh nhất các khó khăn, vướng mắc của người dân, DN trong quá trình đầu tư, SXKD trên địa bàn.
Cơ quan Thuế các cấp đã tập trung triển khai công tác tuyên truyền chính sách thuế và các chính sách giảm, gia hạn nộp thuế, khoanh nợ và xóa tiền chậm nộp; kịp thời giải đáp các vướng mắc cho các DN và người nộp thuế trong quá trình thực hiện.
6 tháng đầu năm 2022, Cục Thuế tỉnh đã thực hiện miễn, giảm thuế cho hơn 3.800 lượt người nộp thuế với số tiền được miễn giảm 234 tỷ đồng; hoàn thuế giá trị gia tăng cho 114 lượt người nộp thuế với số tiền thuế đã hoàn gần 2.600 tỷ đồng.
Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tạm dừng, hoãn nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra và triển khai thành công hóa đơn điện tử (HĐĐT) cho DN và hộ kinh doanh, góp phần chuyển đổi cách thức phục vụ người dân, DN cũng như thay đổi phương thức quản lý của cơ quan thuế, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng trên địa bàn tỉnh.
Đánh giá cao việc hỗ trợ giúp các DN khai thuế, nộp thuế điện tử và chuyển đổi từ sử dụng hóa đơn giấy sang sử dụng HĐĐT. Việc sử dụng HĐĐT giúp DN có thể dễ dàng kiểm tra chính xác số thuế phải nộp, nâng cao hiệu quả trong quản trị, vận hành.
Với những nỗ lực của các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương, kết quả phát triển KT - XH của tỉnh trong nửa đầu năm 2022 đạt nhiều kết quả tích cực: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) tăng hơn 10% so cùng kỳ năm 2021 và nằm trong TOP 10 tỉnh có tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. 7 tháng đầu năm, toàn tỉnh có gần 780 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký hơn 7.850 tỷ đồng, tăng gần 17% về số DN và tăng 4,6% về vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước.
Việc rút ngắn thời gian giải quyết TTHC là nỗ lực đáng ghi nhận của chính quyền các cấp trong việc đem lại một môi trường kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh cho DN.
Để duy trì sức hấp dẫn, tạo môi trường đầu tư thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động SXKD của các DN trong và ngoài nước, tỉnh tiếp tục thực hiện quyết liệt và thực chất hơn trong công tác cải cách TTHC, lấy cán bộ làm gốc cho việc cải cách, duy trì mục tiêu chính quyền là “bệ đỡ” giúp DN trụ vững và phát triển.