The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Phúc: Nỗ lực nâng cao chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

Với quyết tâm tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần đưa chỉ số PCI của tỉnh nằm trong top 20 trên cả nước, Sở Công thương đã và đang tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ và giải pháp.
Nằm trong 10 chỉ số thành phần đánh giá PCI của tỉnh, chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp (DN) là chỉ số đo lường, đánh giá công tác quản lý, điều hành kinh tế dựa trên các hoạt động để phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm: Xúc tiến thương mại, tư vấn pháp luật cho DN, hỗ trợ DN tìm kiếm đối tác kinh doanh, phát triển các khu, cụm công nghiệp tại địa phương…
Ông Phạm Văn Tuyến, Trưởng phòng Kế hoạch - Tài chính - Tổng hợp, Sở Công thương cho biết: Thời gian qua, thực hiện chỉ số trên, các sở, ban, ngành của tỉnh đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng, tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ cho các DN trên địa bàn, đặc biệt là các DN nhỏ và vừa.
Với vai trò là cơ quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện chỉ số này, hàng năm, Sở Công thương đã chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai CCHC toàn diện trên tất cả các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý.
Từ năm 2016- 2020, sở đã trình UBND tỉnh công bố 55 TTHC giải quyết mức độ 4, công bố 2 TTHC mới ban hành, bãi bỏ 4 TTHC, sửa đổi, bổ sung 35 TTHC.
Phối hợp với các sở, ngành liên quan thực hiện tốt các chương trình khởi sự doanh nghiệp, hỗ trợ DN trong kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nhân lực, tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp.
Tích cực tuyên truyền các chủ trương, chính sách thu hút đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của T.Ư và tỉnh tới các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, nhu cầu sử dụng những dịch vụ thành phần trên không lớn; mức độ am hiểu pháp luật, các quy định của Nhà nước của một số DN còn hạn chế.
Bên cạnh đó, công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, cơ chế chính sách của Nhà nước tới các cơ sở sản xuất, DN chưa phong phú, việc cập nhật các thủ tục hành chính sửa đổi, bổ sung, mới còn chậm.
Đặc biệt, sự phối hợp giữa các ngành trong việc thực hiện các chỉ số thành phần chưa chặt chẽ, còn mang tính hình thức, chưa có sự kết nối giữa chính quyền các cấp để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp.
Việc tổ chức hội nghị, diễn đàn, đối thoại doanh nghiệp hay các sự kiện xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư hàng năm còn hạn chế về số lượng và quy mô…
Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2020 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố, trong 24 chỉ tiêu thuộc chỉ số thành phần của chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN có 6/24 chỉ tiêu đứng ở top 15/63 tỉnh, thành phố; 13/24 chỉ tiêu đứng ở top 50/63 tỉnh, thành phố, còn lại các chỉ tiêu duy trì ở mức khá.
Như vậy, năm 2020, có 7 chỉ tiêu thuộc chỉ số thành phần dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp được cải thiện cả về điểm số và thứ hạng so với năm 2016.
Cụ thể, chỉ tiêu DN từng sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường từ thứ hạng 47 (năm 2016) lên thứ hạng 4 (năm 2020).
Chỉ tiêu DN từng sử dụng dịch vụ tư vấn về pháp luật từ thứ hạng 47 lên thứ hạng 3, chỉ tiêu DN từng sử dụng dịch vụ tìm kiếm đối tác kinh doanh từ thứ hạng 45 lên thứ hạng 4.
Chỉ tiêu DN từng sử dụng dịch vụ xúc tiến thương mại từ thứ hạng 58 lên thứ hạng 19, chỉ tiêu DN từng sử dụng dịch vụ liên quan tới công nghệ từ thứ hạng 61 lên thứ hạng 7.
Chỉ tiêu DN từng sử dụng dịch vụ đào tạo về kế toán, tài chính từ thứ hạng 52 lên thứ hạng 13, chỉ tiêu DN từng sử dụng dịch vụ đào tạo về quản trị kinh doanh từ thứ hạng 58 lên thứ hạng 11.
Bên cạnh đó, nhiều chỉ tiêu thuộc chỉ số thành phần lại có xu hướng tụt hạng như: Tỉ lệ DN cung cấp dịch vụ trên tổng số DN, DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường, DN đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ tư vấn pháp lý, DN có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật…
Điều này khiến điểm số, thứ hạng chỉ số dịch vụ hỗ trợ DN năm 2020 tụt 31 hạng so với năm 2016.
Với mục tiêu tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần đưa chỉ số PCI của tỉnh nằm trong top 20 trên cả nước; trong đó chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp xếp thứ 25 trở lên, thời gian tới, Sở Công thương sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp giữa các sở, ngành có liên quan; tăng cường công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh tới các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn.
Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho đơn vị; hỗ trợ các DN có nhu cầu xây dựng trang thông tin thương mại điện tử.
Tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các CCN, đồng thời xây dựng “Sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh”, tăng cường tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp tiếp cận các thông tin, cơ chế, chính sách của nhà nước…