The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Phúc quyết tâm cải thiện chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp

Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh 2019 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố tháng 5 năm 2020, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh có 13/24 chỉ tiêu bị giảm.
Sản xuất các mặt hàng cơ khí tại Công ty TNHH Strong Way, vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) tại khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Sản xuất các mặt hàng cơ khí tại Công ty TNHH Strong Way, vốn đầu tư của Đài Loan (Trung Quốc) tại khu công nghiệp Khai Quang, Vĩnh Phúc. (Ảnh: Danh Lam/TTXVN)
Là một trong 10 chỉ số thành phần đánh giá PCI của tỉnh, năm 2019, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của Vĩnh Phúc đạt 6,1 điểm, giảm 0,25 điểm so với năm 2018, xếp thứ 36/63 tỉnh, thành phố.
Thủ tục hành chính rườm rà
Theo báo cáo số 201 của Sở Kế hoạch và Đầu tư về kết quả chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019, Vĩnh Phúc đứng thứ 17/63 tỉnh, thành, tụt 4 bậc PCI so với năm 2018, không đạt mục tiêu đề ra và là năm có kết quả thấp nhất trong 3 năm trở lại đây. Đặc biệt các chỉ số thành phần của tỉnh chưa có sự ổn định, tốc độ cải thiện một số chỉ số có xu hướng chậm hơn so với một số địa phương ở top 15 tỉnh, thành dẫn đầu; những chính sách về cải cách, đổi mới có tác động mạnh đến doanh nghiệp và liên quan đến kết quả PCI còn hạn chế và chưa thật sự có đột phá.
Theo bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2019 do Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam công bố tháng 5 năm 2020, chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh có 13/24 chỉ tiêu bị giảm điểm.
Trong đó, có nhiều chỉ tiêu bị giảm điểm khá sâu như tỷ lệ doanh nghiệp từng sử dụng dịch vụ tư vấn pháp luật giảm 17%; doanh nghiệp cung cấp dịch vụ tư nhân và FDI giảm 9%; doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ tìm kiếm thông tin thị trường giảm 7%; doanh nghiệp có ý định tiếp tục sử dụng dịch vụ xúc tiến thương mại giảm 7%; doanh nghiệp đã sử dụng nhà cung cấp tư nhân cho dịch vụ xúc tiến thương mại giảm 4%...
Điều này cho thấy, chưa có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ được thụ hưởng các dịch vụ, chính sách hỗ trợ của tỉnh, thậm chí nhiều doanh nghiệp còn chưa biết đến các dịch vụ, chính sách hỗ trợ này.
Chia sẻ về nguyên nhân khiến chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh giảm điểm, ông Phạm Văn Tuyến, Phó Trưởng phụ trách Phòng Kế hoạch-Tài chính-Tổng hợp, Sở Công Thương cho biết với vai trò là cơ quan tham mưu cho Ủy ban Nhân dân tỉnh thực hiện chỉ số này, hằng năm, Sở Công Thương phối hợp với các sở, ngành liên quan đẩy mạnh công tác hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận ưu đãi đầu tư; tích cực triển khai các hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và nhà đầu tư trong sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, thực hiện tốt các chương trình khởi sự doanh nghiệp; triển khai có hiệu quả các hoạt động tư vấn thực hiện các thủ tục hành chính; hỗ trợ doanh nghiệp trong kết nối thị trường, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo nguồn nhân lực; tổ chức các hoạt động trợ giúp pháp lý cho doanh nghiệp.
Năm 2019, Sở Công Thương đã đề nghị cắt giảm 154 ngày giải quyết 47 thủ tục hành chính với doanh nghiệp; chuẩn hóa 121 thủ tục hành chính đưa ra thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và cập nhật vào phần mềm trên Internet.
Tuy nhiên, trên thực tế, các thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp vẫn còn khá rườm rà; còn nhiều doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ chưa tiếp cận được thông tin về các dịch vụ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp của tỉnh.
Thêm vào đó, số các đơn vị trên địa bàn tỉnh cung cấp các dịch vụ công nghệ, xúc tiến thương mại hay tìm kiếm thị trường, tư vấn pháp luật không nhiều; chất lượng các dịch vụ chưa cao.
Việc tổ chức các hội nghị, diễn đàn, đối thoại doanh nghiệp cũng như các sự kiện xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư còn hạn chế cả về số lượng và quy mô.
Quyết tâm tăng điểm trở lại top 10
Với quyết tâm tăng điểm chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, góp phần đưa chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) của tỉnh quay trở lại top 10 cả nước, Sở Công Thương đã và đang tích cực thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đạt mục tiêu đưa địa phương trở lại nằm trong top 10 tỉnh, thành có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước trong năm 2020.
Toàn tỉnh hiện có hơn 11.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động, trong đó, 95% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc nâng cao chỉ số hỗ trợ doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp của tỉnh.
Để khắc phục những hạn chế, bất cập, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, nâng cao điểm số của chỉ số dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, ngay từ đầu năm 2020, Sở Công Thương đã tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính ở nhiều lĩnh vực, đồng thời, niêm yết công khai trên cổng thông tin điện tử tỉnh, trang thông tin điện tử các sở, ngành, địa phương và tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh.
Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Trung ương, tỉnh tới các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp trên địa bàn; hỗ trợ các doanh nghiệp có nhu cầu xây dựng trang thông tin thương mại điện tử; giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn vay.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư; tăng cường tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng sàn giao dịch thương mại điện tử của tỉnh, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tiếp cận các thông tin, cơ chế, chính sách của Nhà nước; thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình hoạt động của doanh nghiệp trên địa bàn để có giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thông qua các hội nghị, đối thoại với lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh./.