The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Phúc: Tập trung gỡ khó cho doanh nghiệp

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, tính đến hết năm 2015, Vĩnh Phúc thu hút 45 dự án đầu tư trực tiếp trong nước (DDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký là 9.450 tỷ đồng, 5 dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký tăng thêm là 350 tỷ đồng, tính cả cấp mới và tăng vốn đạt 9.800 tỷ đồng, bằng 196% về vốn đầu tư so với năm 2014; đạt 154% về vốn đăng ký so với kế hoạch đề ra (5.000 tỷ đồng). Tỉnh cũng cấp mới cho 26 dự án FDI với số vốn đăng ký 321 triệu USD và điều chỉnh tăng vốn cho 25 lượt dự án với tổng vốn đầu tăng thêm là 160 triệu USD, tính cả vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm 481 triệu USD, bằng 115% về vốn đầu tư đăng ký so với năm 2014 và đạt 240,5% so với kế hoạch đề ra (200 triệu USD).

– Để đạt được kết quả đó, chắc hẳn tỉnh đã nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, có những chính sách ưu đãi với các nhà đầu tư như thế nào, thưa ông?

Trong những năm vừa qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nỗ lực rất lớn trong cải thiện môi trường đầu tư. Vĩnh Phúc không chỉ tập trung vào đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết yếu mà còn tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư (IPA Vinh Phuc) – cơ quan đầu mối về xúc tiến, hỗ trợ đầu tư; Thành lập Ban Giải phóng mặt bằng và Phát triển quỹ đất cấp tỉnh để giải phóng mặt bằng nhanh, tạo quỹ đất sạch cho các dự án; Ban hành nhiều chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư, trong đó có chính sách hỗ trợ cho các dự án đầu tư vào các ngành công nghiệp hỗ trợ; Xây dựng và triển khai Đề án cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Tập trung vào giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư trên địa bàn...

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc gặp mặt các DN Nhật Bản – Tuy nhiên, theo đánh giá của một số nhà đầu tư, việc cải cách thủ tục hành chính vẫn còn có những "nút thắt", tình trạng "một cửa nhưng nhiều khóa" vẫn còn xảy ra, gây khó cho nhà đầu tư, DN. Ông nhìn nhận như thế nào về vấn đề này?

Trong các năm 2011 và 2012, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Vĩnh Phúc có sự tụt giảm thứ hạng mạnh, chúng tôi đánh giá đây là vấn đề cần phải nhìn nhận một cách nghiêm túc để có biện pháp điều chỉnh kịp thời, trong đó có những "nút thắt", tình trạng "một cửa nhiều khóa" vẫn còn xảy ra. UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt các Sở ngành và trực tiếp là Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thay mặt UBND tỉnh kiểm tra giám sát chặt chẽ hơn việc giải quyết các thủ tục hành chính qua bộ phận một cửa liên thông. Đồng thời, triển khai theo dõi đánh giá tiến độ và thời gian giải quyết thủ tục hành chính của từng Sở, ngành bằng phần mềm, thực hiện việc tiếp nhận và trả kết quả theo đúng quy định tại bộ phận một cửa liên thông; hàng tháng đều có kết quả cập nhật kịp thời về thời gian và tiến độ giải quyết làm cơ sở đánh giá việc hoàn thành nhiệm vụ của các cơ quan, cán bộ công chức tham gia giải quyết thủ tục hành chính do DN và nhà đầu tư, nhờ vậy đã cơ bản xóa bỏ được tình trạng trên. Tuy nhiên, để loại bỏ hoàn toàn vấn đề này cần phải có sự quyết tâm của lãnh đạo UBND tỉnh, các Sở ngành và ý thức trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức tham gia giải quyết thủ tục hành chính, tiếp tục việc rà soát các thủ tục hành chính theo các quy định mới liên quan đến thủ tục đầu, tư xây dựng, đất đai, thuế... để công khai minh bạch hóa hơn nữa các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư; Tiếp tục chỉ đạo Hội DN hàng năm có những điều tra khảo sát lấy ý kiến của cộng đồng DN để phát hiện và chấn chỉnh kịp thời.

Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên của cả nước ra Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển DNNVV. – Được biết Vĩnh Phúc cũng sẽ tập trung vào giải quyết một số nhóm việc liên quan trực tiếp đến DN giai đoạn 2015 – 2020. Xin ông cho biết cụ thể những nhóm việc đó là gì và vì sao Vĩnh Phúc lại thực hiện vào thời điểm này?

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 6.000 DN đã được thành lập chủ yếu là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa (DNNVV). Xác định được tầm quan trọng của phát triển DNNVV đối với phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã ra Nghị quyết số 04 ngày 14/01/2013 về phát triển DNNVV tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2020. Tôi cũng xin nhấn mạnh rằng, Vĩnh Phúc là tỉnh đầu tiên của cả nước ra Nghị quyết của Tỉnh ủy về phát triển DNNVV. Theo đó, Nghị quyết đưa ra 3 quan điểm phát triển DNNVV đến năm 2020 là: Thứ nhất, phát triển DN nhỏ và vừa là chiến lược lâu dài, đồng thời cũng là nhiệm vụ trọng tâm trước mắt. Thứ hai, tạo bước đột phá về chính sách và giải pháp cải thiện môi trường đầu tư, môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi cho DNNVV phát triển. Thứ ba, khuyến khích thành lập các DN mới, nhất là các DN sản xuất công nghiệp phụ trợ, tạo điều kiện để các DN hiện có phát triển.

Theo đó, tập trung củng cố và phát triển DNNVV cả về số lượng và chất lượng với quy mô hợp lý, công nghệ phù hợp và hiện đại, mô hình tổ chức quản lý sản xuất hiệu quả, cạnh tranh và phát triển bền vững.

Trong thời gian tới, để triển khai có hiệu quả Nghị quyết trên tỉnh Vĩnh Phúc cần tập trung vào một số nhóm giải pháp sau:

Thứ nhất, nâng cao nhận thức và tăng cường hành động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ngành và toàn xã hội về vị trí vai trò của DNNVV và công tác hỗ trợ phát triển DNNVV; tuyên truyền rộng rãi các cơ chế, chính sách và quy định của UBND tỉnh trong việc tạo lập môi trường thuận lợi cho phát triển DN.

Thứ hai, đưa ra các giải pháp về cơ chế, chính sách để tạo điều kiện hỗ trợ cho DN trong các lĩnh vực: Tài chính, Đất đai mặt bằng sản xuất kinh doanh, Đổi mới khoa học kỹ thuật và chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường,... trong thời gian tới cần được triển khai, phối hợp có sự thống nhất, đồng bộ.

Thứ ba, tạo sự liên kết, phối hợp chặt chẽ theo cơ chế chung giữa các cơ quan, tổ chức, giữa các ngành thành một hệ thống thống nhất cùng đồng hành hỗ trợ phát triển DN; Có quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, hiệp hội ở địa phương trong hoạt động trợ giúp phát triển DNNVV.

Thứ 4, tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với DN; Thường xuyên kiểm tra công tác kỷ luật hành chính trong thực hiện công vụ, nhất là trong việc thực hiện các nhiệm vụ hỗ trợ DN; Nâng cao năng lực cho đơn vị đầu mối làm công tác trợ giúp phát triển DN trong các cơ quan làm công tác quản lý, xúc tiến tư vấn hỗ trợ phát triển DN để hỗ trợ DN đạt hiệu quả.

Thứ 5, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số: 09/NQ-TW của Bộ Chính trị (khóa XI) "Về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế"; Kế hoạch số 38/KH-TU ngày 03/7/2012 của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về thực hiện Nghị quyết 09/NQQ-TW do đó UBND tỉnh đã xây dựng chương trình hành động thực hiện kế hoạch số 38/KH-TU để có các giải pháp xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân trên địa bàn tỉnh.

Thứ 6, thường xuyên lắng nghe ý kiến phản ánh từ phía các DN để làm cầu nối giữa DN với lãnh đạo UBND tỉnh để các chính sách hỗ trợ DN có trọng tâm, trọng điểm và tạo sự bứt phá nhất định cho DN phát triển.

Thứ 7, tiếp tục triển khai tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho DN thông qua việc hoàn thành trả nợ xây dựng cơ bản trong giai đoạn tới vì số lượng DN hoạt động trong lĩnh vực xây lắp của tỉnh chiếm một tỷ lệ khá lớn.

– Năm 2014, Vĩnh Phúc tăng trưởng vượt bậc trong thứ hạng PCI của cả nước, xếp thứ 6/63, tuy nhiên, một số chỉ số còn thấp điểm. Vĩnh Phúc đã có hành động cụ thể nhằm quyết tâm thay đổi chỉ số PCI năm 2015 và những năm tiếp theo, thưa ông ?

Cần phải nhìn nhận một cách khách quan, một số chỉ số như: Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất; Chi phí thời gian để thực hiện các quy định của Nhà nước; Chi phí không chính thức; Tính năng động và tiên phong của lãnh đạo; Cạnh tranh bình đẳng còn thấp điểm. Vì vậy, bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ của Đề án PCI, tỉnh Vĩnh Phúc coi năm 2015 là năm tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các DN đặc biệt là trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tỉnh cũng đã thành lập một số tổ công tác với thành phần gồm lãnh đạo UBND tỉnh và các Sở ngành thường xuyên nghe báo cáo tiến độ và chỉ đạo giải quyết kịp thời những khó khăng vướng mắc. Hàng tuần đều duy trì giao ban với các sở ngành, địa phương trong đó Lãnh đạo UBND tỉnh trực tiếp nghe các sở ngành và địa phương báo cáo khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai nhiệm vụ cần có sự chỉ đạo của UBND tỉnh để đẩy nhanh tiến độ công việc... Trong thời gian tới tỉnh Vĩnh Phúc sẽ tiến hành tổng kết 3 năm triển khai thực hiện Đề án PCI để chỉ ra những việc đã làm được, chưa làm được, hạn chế yếu kém để đưa ra những giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém từ đó xây dựng kế hoạch triển khai trong giai đoạn 2016-2020.

– Xin cảm ơn ơn ông!

Khắc Lãng thực hiện

Theo enternews.vn