The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Phúc: Tập trung nâng cao chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Nhằm nâng cao chỉ số Dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp (DN), cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số năng lực điều hành (DDCI), các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh đã chủ động nghiên cứu, phân tích để tìm ra các giải pháp khắc phục những vấn đề còn hạn chế, triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao các chỉ số thành phần, thiết thực hỗ trợ DN ổn định SXKD trong bối cảnh thực hiện "mục tiêu kép": Vừa phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế.
Theo kết quả công bố chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI) năm 2020, với 81,72 điểm, Sở KH&CN vươn lên dẫn đầu khối sở, ban, ngành; tiếp đến là Sở Thông tin và Truyền thông với 79,22 điểm; đứng thứ 3 là Sở Y tế với 78,56 điểm.
Đối với khối địa phương, huyện Lập Thạch vượt qua 8 địa phương còn lại để xếp vị trí số 1 với 78,68 điểm. Điểm trung vị của khối sở, ban, ngành năm 2020 đạt 70,82 điểm; tăng 13,23 điểm so với năm 2019.
Đặc biệt, các chỉ số thành phần của cả khối sở, ban, ngành và khối địa phương có sự cải thiện tích cực, trong đó, cải thiện tích cực nhất là chỉ số Tính năng động của hệ thống, vai trò của người đứng đầu, dịch vụ hỗ trợ DN, cạnh tranh bình đẳng và chi phí thời gian.
Nhằm tạo môi trường kinh doanh thông thoáng, tăng cường và nâng cao chất lượng các dịch vụ hỗ trợ DN trên địa bàn tỉnh, góp phần cải thiện điểm số và đưa chỉ số PCI của tỉnh nằm trong top 20 trên cả nước.
Năm 2021 chỉ số Dịch vụ hỗ trợ DN phấn đấu đạt 5.5 điểm, xếp thứ 49/63 tỉnh, thành phố (tăng 10 bậc so với năm 2020), chỉ số DDCI nằm trong top 5 sở, ban, ngành có điểm số tốt nhất, Sở Công thương đã yêu cầu các phòng chuyên môn, đơn vị thuộc sở tập trung thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để cải thiện điểm số các chỉ tiêu thành phần có điểm số thấp, tụt hạng; duy trì những chỉ tiêu thành phần có điểm số cao, tăng bậc.
Trong đó, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) tại cơ quan, giảm tối đa chi phí thời gian, tuyệt đối không để người dân, DN phải bỏ chi phí không chính thức khi đến giải quyết TTHC; đẩy mạnh việc xây dựng và vận hành Chính phủ điện tử, trọng tâm là ứng dụng CNTT, tiếp tục thiết lập đường dây nóng, hòm thư điện tử, tham mưu lãnh đạo Sở giao phòng chuyên môn giải quyết kịp thời những phản hồi, ý kiến của DN.
Đồng thời, tập trung xây dựng chính sách hỗ trợ xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2030 để thu hút nguồn vốn, nhà đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các cụm công nghiệp.
Thu hút các nhà đầu tư có tiềm lực, nguồn lực vào đầu tư hạ tầng Trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị, chợ; hỗ trợ tích cực cho DN về vấn đề pháp lý, tìm kiếm thông tin thị trường, đối tác kinh doanh, chiến lược kinh doanh, đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu, tiếp cận thông tin và mở rộng thị trường…
Trên địa bàn tỉnh hiện nay phần lớn là DNNVV có nguồn tài chính hạn chế, nên ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 trong thời gian qua là rất lớn.
Đơn hàng giảm, chi phí vận chuyển hàng hóa tăng, phí lưu kho bến bãi, phí xét nghiệm lái xe và người bốc xếp, cán bộ kỹ thuật, chuyên gia đi lại; hàng hóa bị ứ đọng tại các kho do giãn cách kéo dài, chi phí vận chuyển hàng hóa nhập khẩu tăng cao..., khiến nhiều DN phải cơ cấu lại sản xuất, cắt giảm nhân công và các chi phí không cần thiết để phục hồi sản xuất.
Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Sở Công thương đã thiết lập đường dây nóng; phân công 2 lãnh đạo Sở chịu trách nhiệm tiếp nhận, tháo gỡ khó khăn cho DN sản xuất công nghiệp và kinh doanh thương mại; tạo lập nhóm Zalo DN trong cụm, các siêu thị, TTTM để kịp thời cung cấp thông tin tình hình và biện pháp phòng, chống dịch bệnh của tỉnh.
Đơn cử, trong tuần đầu tháng 10/2021, qua hệ thống đường dây nóng, Sở Công thương tiếp nhận kiến nghị của Công ty JHBBT Vina, Công ty TNHH Trần Hồng Quân với nội dung thực hiện các yêu cầu xét nghiệm sàng lọc Covid- 19 cho người lao động có nguy cơ cao theo tần suất 7 ngày/lần, xét nghiệm PCR cho lái xe và phụ xe 3 ngày/lần.
Trung bình 1 tháng, các DN phải bỏ ra từ 50 -100 triệu đồng chi phí xét nghiệm, làm gia tăng chi phí cho DN, đề nghị UBND tỉnh hỗ trợ cho DN chi phí xét nghiệm sàng lọc cho các đối tượng có nguy cơ cao hoặc giãn tần suất xét nghiệm 15 ngày/lần.
Trước những kiến nghị này, Sở Công thương đã kịp thời có văn bản đề nghị UBND tỉnh có phương án tháo gỡ khó khăn trong vấn đề xét nghiệm sàng lọc, giảm gánh nặng chi phí cho DN.
Cùng với Sở Công thương, các sở, ban, ngành đã và đang tập trung đổi mới phong cách, thái độ phục vụ, quan tâm công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư đối với mọi loại hình DN; nâng cao chất lượng quản lý, chỉ đạo, nắm bắt kịp thời và giải quyết triệt để các kiến nghị, khó khăn vướng mắc của DN trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, hướng tới nâng cao chất lượng điều hành toàn diện, tăng mức độ hài lòng của người dân và DN đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính cấp tỉnh, địa phương, góp phần cải thiện và nâng cao các chỉ số PCI, DDCI năm 2021.