The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vĩnh Phúc: Tiếp tục nâng cao chỉ số "Tính minh bạch"

Cải thiện và nâng cao chỉ số "Tính minh bạch", phấn đấu nằm trong tốp 10 địa phương có chất lượng điều hành tốt nhất cả nước, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước... đó là mục tiêu mà tỉnh đặt ra trong Kế hoạch nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2019.

Mục tiêu đặt ra trong năm 2019 đối với chỉ số "Tính minh bạch" của tỉnh là đạt 7 điểm, nằm trong Top 10 của cả nước.(Trong ảnh: Cán bộ Trung tâm Hành chính công tỉnh tiếp nhận hồ sơ hành chính của doanh nghiệp). Ảnh Nguyễn Lượng

Với nhiều giải pháp đồng bộ và hiệu quả, năm 2018, trong 10 chỉ số thành phần của chỉ số PCI thì chỉ số "Tính minh bạch" của tỉnh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành trong cả nước với 6,85 điểm, tăng 8 bậc và tăng 0,26 điểm so với năm 2017, cao hơn bình quân cả nước 0,6 điểm và là chỉ số thành phần có thứ hạng cao nhất trong các chỉ số PCI của tỉnh. Trong 12 chỉ số thành phần của chỉ số "Tính minh bạch", tỉnh có 2 chỉ số là: Cần có “mối quan hệ” để có được các tài liệu và tỷ lệ doanh nghiệp truy cập vào website của tỉnh giữ nguyên điểm số lần lượt là 63% và 70% so với năm 2017. Ba chỉ số thành phần có xu hướng giảm cần phải cải thiện trong thời gian tới để bảo đảm tiếp tục duy trì thứ hạng cao là: Tỷ lệ doanh nghiệp nhận được thông tin, văn bản sau khi đề nghị cơ quan Nhà nước của tỉnh cung cấp; số ngày để nhận được thông tin, văn bản sau khi đã đề nghị cung cấp và dự liệu được việc thực thi của tỉnh đối với quy định pháp luật của Trung ương.

Một số nguyên nhân tác động trực tiếp đến chỉ số "Tính minh bạch" nói chung, 3 chỉ số thành phần có xu hướng giảm cần phải cải thiện đó là một số cơ quan chưa thực sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt việc cung cấp, minh bạch thông tin thuộc phạm vi quản lý của ngành, cơ quan, địa phương mình để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận, sử dụng cho hoạt động kinh doanh, tập trung vào các lĩnh vực: Các tài liệu về chiến lược phát triển, quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương; văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực; các tài liệu chi tiết về ngân sách; thông tin dự án mời thầu; công khai và tổ chức lấy ý kiến các dự thảo văn bản pháp lý thực thi có liên quan, tác động đến doanh nghiệp; công khai các văn bản, thông tin hoạt động chỉ đạo, điều hành, nghiệp vụ giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp; thiết lập các kênh đối thoại trực tuyến giữa các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh với các doanh nghiệp nhằm giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp thông qua các ứng dụng của mạng xã hội như: Facebook, zalo hoặc qua Cổng TTĐT cơ quan, đơn vị, địa phương mình. Chẳng hạn như đối với Cổng TT- GTĐT Sở Công thương chính thức đi vào hoạt động từ năm 2016, qua theo dõi, rà soát, đánh giá hoạt động, Sở Thông tin & Truyền thông (TT&TT) tỉnh nhận thấy việc cung cấp, cập nhật thông tin, dữ liệu thuộc lĩnh vực của ngành trên Cổng TT- GTĐT của sở cơ bản đáp ứng nhu cầu tiếp cận, khai thác thông tin của tổ chức, cá nhân. Tuy nhiên, tin, bài về hoạt động của ngành; biên tập giới thiệu các chính sách, vấn đề mới thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của ngành rất ít cập nhật, tính từ 1/1-30/6/2019 chỉ có 4 tin, bài; ý kiến xử lý, phản hồi đối với các kiến nghị, yêu cầu của tổ chức, cá nhân; thông tin khen thưởng xử phạt; quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực quản lý; thông tin về dự án, hạng mục đầu tư, đấu thầu, mua sắm công; báo cáo thống kê... hầu như không có.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa công khai đầy đủ các chính sách về thuế, minh bạch các khoản thuế phải nộp để doanh nghiệp dễ tiếp cận, phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Thủ trưởng một số cơ quan, địa phương chưa quyết tâm ứng dụng CNTT trong quản lý, chỉ đạo điều hành; chưa chỉ đạo triển khai thực hiện các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ. Việc quảng bá, xây dựng nội dung thông tin trên Cổng TT-GTĐT của tỉnh và Cổng TTĐT các cơ quan Nhà nước chưa phong phú, nhất là các thông tin doanh nghiệp quan tâm; chưa có sự đồng nhất về bố cục và nội dung thông tin theo quy định của Chính phủ; giao diện website chưa thân thiện với người dùng.

Nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, bảo đảm bình đẳng, công khai, minh bạch trong tiếp cận thông tin giữa các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, phấn đấu chỉ số "Tính minh bạch" của tỉnh trong năm 2019 đạt mục tiêu đề ra, mới đây, với vai trò là cơ quan chủ trì, Sở TT&TT đã xây dựng Kế hoạch số 37 về Nâng cao chỉ số "Tính minh bạch". Theo đó, Sở đề nghị các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố thực hiện nghiêm túc việc cung cấp thông tin cho Cổng TT- GTĐT của tỉnh; đăng tải đầy đủ những thông tin phải công khai, minh bạch trên Cổng TTĐT các sở, ngành, địa phương liên quan đến chiến lược phát triển, quy hoạch ngành, lĩnh vực, địa phương, chiến lược, quy hoạch phát triển KT - XH, thông tin về dự án, các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành, lĩnh vực... Tăng cường ứng dụng CNTT xây dựng chính quyền điện tử, khai thác đầy đủ, hiệu quả các phần mềm nền tảng phát triển Chính phủ điện tử; đẩy mạnh ứng dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; duy trì hiệu quả hoạt động Trung tâm Hành chính công tỉnh và Trung tâm Hành chính công các huyện, thành phố, tạo sự minh bạch, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp, người dân và giảm thiểu các hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, chi phí không chính thức... Qua đó, đảm bảo môi trường đầu tư thực sự thông thoáng, minh bạch, tạo động lực thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển KT- XH của tỉnh trên cơ sở các quy định của Nhà nước; cải thiện chất lượng điều hành của bộ máy chính quyền tỉnh, nỗ lực cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh.

Lưu Nhung

Theo Báo Vĩnh Phúc