The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

VN hấp dẫn vốn đầu tư toàn cầu

Với 24,4 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký vào VN trong 2016 và 3,4 tỉ USD đăng ký trong 2 tháng đầu năm nay, VN đang được đánh giá là thị trường hấp dẫn đối với nguồn vốn đầu tư từ các nước...Báo cáo PCI cũng trích dẫn phân tích từ fDi Intelligence, chuyên trang phân tích thống kê về FDI thuộc tờ The Financial Times (Anh), cho thấy đây là năm thứ hai liên tiếp VN đứng đầu các nền kinh tế mới nổi trong Chỉ số Đầu tư mới (Greenfield Investment Index).

Trở thành thị trường mục tiêu
Báo cáo về thị trường vốn mới nhất của Tập đoàn tư vấn Cushman & Wakefield nêu rõ VN chính là điểm đến đầy tiềm năng của dòng vốn đầu tư trên toàn cầu. Cụ thể, VN đã nhận hơn 66 tỉ USD vốn FDI trong giai đoạn 2014 - 2016, với lượng vốn tăng bình quân 2 tỉ USD mỗi năm.
Theo ông Ben Gray - Giám đốc khối Thị trường vốn của Cushman & Wakefield VN, các nhà quản lý đang rất quan tâm đến thị trường VN. Năm 2017 và những năm tiếp theo vẫn là thời điểm thuận lợi cho việc đầu tư vào các tài sản ở VN. Tuy nhiên có một thực tế là hiện nay dòng vốn FDI đang “chảy” mạnh vào lĩnh vực bất động sản, chiếm đến khoảng 10% lượng vốn FDI trung bình mỗi năm. Bởi đây là một kênh đầu tư khả thi giúp cho các nhà quản lý tạo ra lợi nhuận mà không phải chịu thêm rủi ro nào ngoài những rủi ro của các chiến lược đầu tư thông thường.
VN hấp dẫn vốn đầu tư toàn cầu - ảnh 1
Chính phủ phải thay đổi định hướng và chính sách FDI với mục tiêu tránh thu hút tràn lan cũng như các chính sách ưu đãi không thể thực hiện theo kiểu cào bằng như cũ. Chính sách mới phải theo định hướng phát triển năng lượng sạch, thân thiện môi trường, phát triển nông nghiệp công nghệ cao
VN hấp dẫn vốn đầu tư toàn cầu - ảnh 2
TS Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư

Không dừng lại ở đó, con số thống kê trong 2 tháng đầu năm nay, tổng vốn FDI vào VN cũng đạt 3,4 tỉ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, bên cạnh những quốc gia vốn có lịch sử lâu đời đầu tư tại VN như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore…, thì vốn FDI từ Trung Quốc, Thái Lan hay quần đảo Virgin thuộc Anh… đang gia tăng mạnh.

Đặc biệt, bên cạnh số vốn đăng ký, con số giải ngân vốn FDI năm 2016 đạt 15,8 tỉ USD là mức giải ngân cao nhất từ trước đến nay. Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) cùng Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ công bố đã nhấn mạnh, đây chính là một “bước chuyển” quan trọng trong phát triển kinh tế của VN. Bởi báo cáo nêu rõ, trong khi số liệu vốn FDI đăng ký có thể bị thổi phồng do nhà đầu tư có nhu cầu gây ấn tượng với cơ quan ra quyết định cấp phép thì tỷ lệ giải ngân là một trong những chỉ báo quan trọng về niềm tin của các nhà đầu tư đối với thị trường VN.
Báo cáo PCI cũng trích dẫn phân tích từ fDi Intelligence, chuyên trang phân tích thống kê về FDI thuộc tờ The Financial Times (Anh), cho thấy đây là năm thứ hai liên tiếp VN đứng đầu các nền kinh tế mới nổi trong Chỉ số Đầu tư mới (Greenfield Investment Index). Chỉ số này được tính toán xếp hạng dựa trên tỷ lệ nguồn vốn đầu tư mới trên toàn cầu của một quốc gia so với tỷ lệ GDP toàn cầu của quốc gia đó. Số điểm 6,45 có nghĩa là năm 2016, VN đã thu hút lượng vốn đầu tư mới gấp hơn 6 lần so với mức kỳ vọng từ tỷ lệ đóng góp trong sản lượng toàn cầu, giúp VN bứt lên hẳn so với những đối thủ cạnh tranh gần nhất của mình.
GS-TSKH Nguyễn Mại, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư, nhận định: so với nhiều nước xung quanh, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào VN trong năm 2016 đến nay cao hơn khá nhiều. Xu hướng này có thể kéo dài đến sau năm 2020 nếu như chúng ta vẫn giữ được những ưu thế như kinh tế tăng trưởng đều đặn, ổn định về chính trị kinh tế vĩ mô...
Cần chính sách FDI mới
TS Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), khẳng định trong thời gian qua, việc thu hút vốn FDI tại VN đã có nhiều thành tựu trong kinh tế nhưng cũng phải nhìn nhận vào các tồn tại như ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động, tình trạng chuyển giá... Theo ông Thắng, VN không cần thu hút vốn nước ngoài bằng mọi giá. Đặc biệt không nên thu hút vốn ngoại vào các lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đã thực hiện được, cho dù có thể chất lượng chưa cao như du lịch, nông nghiệp, lâm ngư nghiệp… Cần phải có kế hoạch phát triển kinh tế xã hội phù hợp với tình hình trong giai đoạn sau này khi đã hội nhập sâu rộng với kinh tế và khu vực, trong đó có việc sử dụng nguồn vốn FDI, bao gồm danh mục dự án, đối tác đầu tư và phân chia vào các vùng miền. Từ đó các tỉnh chỉ cần lo tập trung phát triển thế mạnh của địa phương mình mà không cần đi cạnh tranh thu hút vốn hay cứ phải phát triển công nghiệp.
Điều này sẽ cho ra mục tiêu lựa chọn dự án đầu tư phù hợp để thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, hiện nay VN đang bị mất cân bằng về đối tác đầu tư nên cần có chính sách cân bằng lại, từ các đối tác Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản… không bị lệ thuộc quá nhiều vào một đối tác nào, để tránh tình trạng ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và người lao động trong nước nếu có biến động chính trị xảy ra có liên quan đến đối tác đầu tư lớn tại VN.
“Ngoài ra, cần phải xốc lại bộ máy quản lý nhà nước có liên quan từ xúc tiến đầu tư, xét duyệt dự án, cấp phép và thanh kiểm tra dự án có vốn ngoại từ T.Ư đến các địa phương. Xem lại nguồn nhân lực ở các lĩnh vực đã phù hợp với giai đoạn mới hay chưa? Khi đã có chính sách phù hợp thì cần có ý chí và nguồn lực thống nhất để thực hiện đạt hiệu quả mong muốn”, TS Phan Hữu Thắng nói.
Đồng quan điểm, GS-TSKH Nguyễn Mại phân tích thêm: Việc thu hút FDI trong giai đoạn tới không thể dùng các chính sách cũ. Chẳng hạn như hiện nay, VN đã vượt qua Thái Lan và Indonesia, đứng đầu ASEAN về sản xuất xi măng vì từ sau cuộc khủng hoảng kinh tế khu vực 1997 - 2002, các nước đó đã ngừng xây dựng nhà máy mới. Trong khi đó, các công trình nghiên cứu khoa học đã chỉ ra rằng, tất cả nhà máy xi măng đang hoạt động trên thế giới đã thải ra khoảng 5% khí thải cácbonic toàn cầu, gấp đôi lượng khí thải từ động cơ phản lực của toàn bộ ngành hàng không dân dụng. Chính vì thế, sản xuất xi măng trở thành thủ phạm lớn nhất gây ra hiện tượng hiệu ứng nhà kính. Do đó VN nên dừng ở công suất sản xuất xi măng tối đa 100 triệu tấn/năm, không thu hút vốn ngoại thêm vào ngành này để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh. Riêng đối với các dự án FDI trong các ngành và lĩnh vực vẫn tiếp tục được khuyến khích thì cần quan tâm đến công nghệ tiên tiến, tiết giảm năng lượng, thân thiện với môi trường, giám sát chặt chẽ trong quá trình xây dựng nhà máy, công trình kiến trúc để góp phần tạo ra nền kinh tế xanh.
“Chính phủ phải thay đổi định hướng và chính sách FDI với mục tiêu tránh thu hút tràn lan cũng như các chính sách ưu đãi không thể thực hiện theo kiểu cào bằng như cũ. Chính sách mới phải theo định hướng phát triển năng lượng sạch, thân thiện môi trường, phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Chẳng hạn cần phải thay toàn bộ ưu đãi để kêu gọi vốn FDI phát triển năng lượng tái tạo, điện gió hay điện mặt trời để có thể thay thế được các nhà máy thủy điện, nhà máy điện than…”, TS Nguyễn Mại nhấn mạnh.
TS Bùi Quang Tín, Trường đại học Ngân hàng TP.HCM, nhận xét: Thay vì nghiêng về số lượng, không yêu cầu cao về công nghệ, bảo vệ môi trường... cần sàng lọc các dự án lấy tiêu chí chất lượng làm hàng đầu, nhất là những dự án làm ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và xuất khẩu cũng như tiêu hao ít năng lượng.

Mai Phương - Đình Sơn