The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vỡ mộng FDI và lời cảnh báo 'bẫy giá trị gia tăng thấp'

Để tránh “bẫy thu nhập trung bình” và vươn lên trở thành quốc gia phát triển, Việt Nam cần đổi mới chiến lược thu hút FDI. Các nhận định cho rằng, thu hút đầu tư nước ngoài 30 năm qua không thành công như mong đợi.

Không như mong đợi

Tính đến cuối năm 2021, Việt Nam thu hút được 408 tỷ USD vốn đăng ký đầu tư nước ngoài (FDI), đứng thứ 18 trên thế giới và thứ hai khu vực Đông Nam Á. Tuy thu hút nhiều vốn, nhưng có quá nửa số doanh nghiệp FDI liên tục báo cáo kinh doanh thua lỗ và sự lan tỏa của khu vực này tới nền kinh tế còn hạn chế.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong tổng số 25.171 doanh nghiệp FDI đang hoạt động, chỉ có 10.125 doanh nghiêp FDI sản xuất kinh doanh lãi, chiếm hơn 40%; trong khi có 14.108 DN báo lỗ, tương đương 56%. Số thua lỗ năm 2020 của các doanh nghiệp FDI ghi nhận lên tới khoảng 151.064 tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2020, có hơn 16.100 doanh nghiệp FDI báo lỗ, chiếm khoảng 64% DN khai báo. Tổng giá trị lỗ lũy kế của các doanh nghiệp FDI đến hết năm 2020 lên tới hơn 623.000 tỷ đồng.

Trong khi đó, báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, các dự án FDI hiện nay chủ yếu có quy mô nhỏ. Tính đến hết tháng 12/2021, cả nước có 1.254 dự án đầu tư có vốn từ 50 triệu USD trở lên, còn lại hàng chục ngàn dự án có vốn đầu tư dưới 50 triệu USD, chiếm tới 96,4% tổng số dự án FDI. Hiệu quả sử dụng đất của nhiều dự án FDI chưa cao, suất đầu tư trên 1ha đất trong lĩnh vực chế biến, chế tạo bình quân chỉ đạt 3,7 triệu USD.

Ảnh: Hoàng Hà

Các dự án FDI tại Việt Nam hiện nay chủ yếu có công nghệ ở mức trung bình, chủ yếu tập trung vào một số công đoạn trong các ngành sử dụng nhiều lao động như gia công dệt may, da giày, chế biến gỗ, lắp ráp điện tử, ôtô và một số ngành chế biến thực phẩm. Phần lớn phụ tùng, nguyên vật liệu đầu vào và dịch vụ đi kèm cho sản xuất của khu vực FDI được nhập khẩu.

Bộ Công Thương đánh giá, thu hút FDI nhiều nhưng tác động lan tỏa của khu vực này đến DN trong nước thời gian qua rất hạn chế. Hiệu quả và chuyển giao công nghệ từ các doanh nghiệp FDI ở mức thấp hơn so với các nước trong khu vực. Sự liên kết giữa doanh nghiêp FDI vối DN trong nước rất lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng có hai nền kinh tế trong một quốc gia. Điều này khiến cho khả năng tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu của các sản phẩm công nghiệp Việt Nam không như kỳ vọng. Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu tham gia vào công đoạn gia công lắp ráp có giá trị gia tăng thấp.

Ví dụ với ngành điện tử, hiện có kim ngạch xuất khẩu khoảng 100 tỷ USD/năm, nhưng tỷ lệ nội địa hóa rất thấp, chỉ từ 5-10%. Sự liên kết giữa các DN cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI còn mờ nhạt. Samsung Việt Nam chỉ có hơn 40 nhà cung ứng thuần Việt; Canon Việt Nam có khoảng 20 và Panasonic Việt Nam có 4 nhà cung cấp thuần Việt.

Câu hỏi đặt ra là: nếu bây giờ tất cả các DN điện tử chuyển hết sang những quốc gia có lợi thế hơn thì ngành công nghiệp điện tử Việt Nam còn lại gì? Chắc chắn sẽ về “con số 0” và điều này được gọi là quá trình “giải trừ công nghiệp”.

“Bẫy giá trị gia tăng thấp”

Hơn 30 năm thu hút đầu tư nhưng không có cơ chế ràng buộc, khiến cho các doanh nghiệp FDI vẫn ưu tiên nhà cung ứng vốn đã có lịch sử hợp tác lâu dài hoặc các DN đồng quốc tịch, vì vậy DN Việt khó chen chân vào.

Khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ ra rằng, vài năm gần đây có dấu hiệu cho thấy quy mô doanh nghiệp FDI đang giảm dần theo thời gian. Năm 2020, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có dưới 5 lao động đã vượt quá 10%, tỷ lệ DN có từ 5-9 lao động cũng tăng từ 10,6% lên 11,3%. Dấu hiệu đảo ngược này cũng diễn ra với quy mô vốn chủ sở hữu. Năm 2019, tỷ lệ doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 0,5 tỷ đồng chỉ là 9,8%, đến 2020 tăng lên 13,1%.

Sự liên kết giữa doanh nghiệp FDI vối DN trong nước rất lỏng lẻo, dẫn đến tình trạng có hai nền kinh tế trong một quốc gia. Ảnh: Hoàng Hà

Trong khi đó, tỷ lệ doanh nghiệp FDI chuyển sang sử dụng nhà cung cấp Việt Nam giảm dần. Cụ thể, năm 2015 có 68,9% doanh nghiệp FDI mua hàng từ DN tư nhân, 19,3% mua hàng từ các hộ kinh doanh; đến năm 2020 giảm theo thứ tự còn 62,5% và 14,8%. Các doanh nghiệp FDI quy mô nhỏ vào Việt Nam để làm nhà cung cấp cho các doanh nghiệp FDI lớn, VCCI kết luận.

Việt Nam đã tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do và các doanh nghiệp FDI chính là đối tượng được hưởng lợi nhiều nhất. Không những thế, các doanh nghiêp FDI đầu tư vào Việt Nam là để tận dụng những ưu đãi hấp dẫn như: miễn giảm chi phí thuê đất, giảm thuế, phí, cùng với chi phí nhân công và giá năng lượng thấp.

Tuy nhiên, nếu chỉ thu hút được vốn FDI, từ những DN không có ý định hình thành các mối liên kết với nền kinh tế trong nước, không tạo ra được hiệu ứng lan tỏa và hoạt động với mục tiêu ngắn hạn, thì Việt Nam đang đứng trước nguy cơ mắc “bẫy giá trị gia tăng thấp”.

Xét về bản chất, “bẫy giá trị gia tăng thấp” cũng là một biểu hiện của “bẫy thu nhập trung bình”. Nó xảy ra với một quốc gia không xây dựng được nền tảng công nghiệp trong nước vững mạnh, tăng trưởng chủ yếu dựa vào nguồn lực bên ngoài (khu vực FDI). Khi lợi thế trong nước không còn (chi phí lao động thấp, ưu đãi thuế hấp dẫn...), các doanh nghiệp FDI dịch chuyển sang những nước có lợi thế tốt hơn sẽ để lại ngành công nghiệp gồm các DN trong nước không đủ năng lực cạnh tranh với các nền kinh tế đã phát triển về công nghệ, hay với các nền kinh tế có mức lương thấp hơn trong việc sản xuất hàng hóa giá rẻ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, phải gắn thu hút FDI với các chiến lược và quy hoạch phát triển của quốc gia, hình thành các chuỗi cung ứng và cụm liên kết ngành công nghiệp, tập trung vào các ngành, công đoạn tạo ra giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ thân thiện với môi trường và tiêu hao ít năng lượng.

Tuy nhiên, lực lượng doanh nghiệp FDI cũng chỉ là động lực dẫn dắt, DN tư nhân trong nước lớn mạnh mới là nền tảng vững chắc để giúp một quốc gia thoát “bẫy thu nhập trung bình”. Do vậy, phải gầy dựng được lực lượng DN trong nước vững mạnh, có quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt và hình thành chuỗi cung ứng trong nước, vươn ra cạnh tranh toàn cầu.

Theo Vietnamnet