The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Vững vàng vị thế Thủ đô

62 năm sau Ngày Giải phóng Thủ đô, Hà Nội ngày nay mang một sắc diện hoàn toàn mới. Không chỉ mới về diện mạo, mà đã có những đổi thay từ chiều sâu, quyết liệt, năng động, sáng tạo hơn, tạo chuyển biến rõ nét trên nhiều lĩnh vực. Hà Nội luôn thể hiện bản lĩnh vững vàng, gương mẫu đi đầu trong hầu hết các mặt công tác, vươn lên xứng đáng với niềm tin yêu và sự kỳ vọng của người dân cả nước.

Chủ động, sáng tạo đưa Nghị quyết vào cuộc sống

Các nhiệm kỳ trước, khoảng một năm sau Đại hội Đảng bộ thành phố, Thành ủy Hà Nội mới cơ bản hoàn thành Chương trình hành động và các chương trình công tác lớn cho cả nhiệm kỳ, còn ở nhiệm kỳ này, chỉ sau chưa đầy sáu tháng, Thành ủy đã hoàn thành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, cùng tám chương trình công tác lớn, trên cơ sở bám sát phương hướng, nhiệm vụ phát triển đất nước, vận dụng sáng tạo vào tình hình, điều kiện Thủ đô. Đáng chú ý là, những điểm hạn chế, yếu kém, những vấn đề gây bức xúc trong dư luận như tỷ lệ cán bộ trẻ chưa đạt yêu cầu, môi trường đầu tư, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) thấp, bất cập trong xây dựng và quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị... đều được Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố phân tích, “mổ xẻ”, xác định mục tiêu, xây dựng giải pháp khả thi, thiết thực, với quyết tâm hành động cao. Không chỉ vậy, Thành ủy điều chỉnh bốn chỉ tiêu của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, bảo đảm bằng hoặc cao hơn các chỉ tiêu mà Trung ương đề ra. Đó là chỉ tiêu số giường bệnh/10.000 dân, tỷ lệ hộ dân nông thôn sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh, tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới và thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn. Điều này thể hiện tinh thần chủ động, cầu thị của đội ngũ cán bộ chủ chốt thành phố, giúp các đảng bộ trực thuộc có căn cứ để xây dựng các chương trình hành động, chương trình công tác của cấp ủy, nhanh chóng đưa Nghị quyết vào cuộc sống. Chính vì vậy, cho đến nay, 100% các đảng bộ trực thuộc đã xây dựng xong các chương trình công tác, đề án cụ thể hóa các nội dung, triển khai trong thực tiễn.

Bên cạnh đó, Thành ủy lựa chọn những vấn đề "nóng" trong phát triển du lịch, giải phóng mặt bằng, trật tự, văn minh đô thị, việc cấp sổ đỏ để ban hành Nghị quyết, Chỉ thị chuyên đề, nhằm tạo sự thống nhất và hành động của cả hệ thống chính trị tập trung chỉ đạo thực hiện, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội. Sau khi ban hành các nghị quyết, chương trình, chỉ thị, Ban Thường vụ Thành ủy tổ chức 16 đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp và các nhiệm vụ chính trị tại các tổ chức cơ sở đảng trực thuộc, nhằm kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.

Hà Nội cũng là đơn vị gương mẫu đi đầu, nghiêm túc triển khai thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng cho biết: “Thành phố đưa nội dung thực hiện Nghị quyết này vào Chương trình công tác số 01 của Thành ủy, đề ra chỉ tiêu hoàn thành tinh giản 10% tổng biên chế vào năm 2020, trước một năm so với yêu cầu, ban hành các kế hoạch hướng dẫn cụ thể. Mặc dù đây là công việc khó, nhưng do được thực hiện công khai, dân chủ, bắt đầu từ cơ quan Văn phòng Thành ủy, Văn phòng UBND thành phố, tạo hiệu ứng tích cực để các đơn vị bên dưới thực hiện nghiêm túc”. Cho đến nay, thành phố đã quy định lại chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu, tổ chức của toàn bộ 22 sở, ngành, giảm 55 phòng, ban, 26 trưởng phòng, 11 phó phòng, giảm 121 đơn vị sự nghiệp thuộc sở, công tác xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập được đẩy mạnh. Tinh giản biên chế gắn liền với thực hiện đề án vị trí, việc làm, qua đó, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ. Kết quả thực hiện Nghị quyết số 39 của Hà Nội được đoàn kiểm tra của Bộ Chính trị ghi nhận, đánh giá cao.

Người dân làm thủ tục đăng ký kinh doanh qua mạng tại Phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội). Ảnh: ĐĂNG ANH

Tạo điểm nhấn về môi trường đầu tư

Trong những năm gần đây, mặc dù kinh tế Hà Nội liên tục tăng trưởng, nhưng so với tiềm năng, lợi thế, sự phát triển đó chưa tương xứng. Kinh tế phát triển chưa toàn diện, năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh còn thấp. Sức lan tỏa của một trung tâm kinh tế lớn còn hạn chế. Đặc biệt, còn rất nhiều lời phàn nàn về môi trường đầu tư ở Hà Nội.

Nhận thức được điều này, thành phố có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, khắc phục điểm yếu, từng bước tạo môi trường đầu tư an toàn, hiệu quả. Thành phố yêu cầu các sở, ngành liên quan rà soát các văn bản, quy định để đơn giản hóa, loại bỏ các thủ tục không cần thiết, giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, đẩy mạnh liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin. Hà Nội là đơn vị đầu tiên hoàn thành vượt chỉ tiêu nộp hồ sơ kê khai thuế qua mạng in-tơ-nét, với tỷ lệ doanh nghiệp kê khai thuế qua mạng đạt 98%; tỷ lệ doanh nghiệp đăng ký nộp thuế điện tử đạt 96,3%. Thành phố đơn giản hóa và rút ngắn quy trình cấp sổ đỏ còn 14 ngày, giảm thời gian giải quyết thủ tục thành lập mới doanh nghiệp từ năm ngày làm việc xuống còn ba ngày, thủ tục thành lập doanh nghiệp (qua mạng) giảm từ ba ngày xuống còn hai ngày. Lãnh đạo thành phố chủ động đối thoại, tiếp xúc với các doanh nghiệp nước ngoài để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và kêu gọi đầu tư... Những nỗ lực của thành phố mang lại tín hiệu đáng mừng. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Văn Tứ cho biết, chín tháng qua, thành phố có 16.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước, với tổng số vốn đăng ký là 148,9 nghìn tỷ đồng, tăng 48%. Trong đó, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có bước đột phá. Vốn đầu tư FDI đăng ký mới và điều chỉnh tăng thêm đạt 2,4 tỷ USD, gấp 3,7 lần so với cùng kỳ năm 2015, đưa Hà Nội dẫn đầu cả nước về lĩnh vực này, góp phần đưa kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng khá, tổng sản phẩm trên địa bàn tăng 7,73%. Dự kiến tăng trưởng kinh tế năm 2016 của thành phố sẽ đạt mức cao nhất trong sáu năm gần đây.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, trước những đòi hỏi của thực tiễn và yêu cầu bức thiết của việc thu hút nguồn vốn đầu tư (đến năm 2020 từ 2,5 triệu tỷ đồng đến 2,6 triệu tỷ đồng, trong đó, vốn ngân sách chiếm 20%, còn lại sẽ huy động bằng phương thức xã hội hóa), thành phố sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ các biện pháp để cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, chuyên nghiệp và thân thiện, để trở thành điểm đến an toàn và thành công của các nhà kinh doanh. Thành phố sẽ làm tốt vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; phấn đấu trong giai đoạn 2016-2020, sẽ có thêm 200 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới và hoạt động có hiệu quả.

Văn minh đô thị chuyển biến tích cực

Năm 2016, các nhiệm vụ Năm trật tự, văn minh đô thị không được triển khai rầm rộ với những đợt ra quân xử lý hành vi vi phạm như những năm trước, mà chuyển hướng sang các giải pháp thu hẹp đầu mối quản lý, tăng cường phân cấp cho địa phương, đẩy mạnh xã hội hóa, xây dựng các quy chế để người dân cùng tham gia thực hiện, nhằm giải quyết tận gốc những vấn đề tồn đọng trong các lĩnh vực này.

Kết quả nổi bật nhất là thành phố đã triển khai thí điểm thành công việc xây dựng, mở rộng kết hợp chỉnh trang, cải tạo đồng bộ nhà mặt phố Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm, tiến tới triển khai rộng rãi trên toàn thành phố, mỗi quận, huyện sẽ có một đến vài tuyến đường như vậy. Hàng loạt dịch vụ đô thị khác có sự chuyển biến mạnh mẽ từ cung cách quản lý đến triển khai. Hơn 60 nghìn cây xanh đã được trồng trên các tuyến đường và trong các công viên, tạo thêm hàng triệu m2 bóng mát. Hệ thống đèn chiếu sáng công cộng được thay thế bằng đèn led tiết kiệm năng lượng, thân thiện hơn với môi trường. Việc thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trong bốn quận nội thành được cơ giới hóa, đưa mười xe quét, hút hiện đại nhập khẩu từ Đức vào hoạt động.

Việc xử lý ô nhiễm môi trường nước, ô nhiễm không khí được quan tâm chỉ đạo rốt ráo, thí điểm xử lý ô nhiễm nước tại các hồ Hố Mẻ, Ba Mẫu và Giáp Bát bằng công nghệ Redoxy-3C, đạt kết quả khả quan. Mới đây, thành phố khởi công xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, làm sạch nước thải của sông Tô Lịch, sông Lừ và một phần sông Nhuệ. Lắp đặt các mô-đun lọc nước, sử dụng công nghệ của Đức tại các xã ở huyện Chương Mỹ, sắp tới sẽ lắp đặt tại các huyện Sóc Sơn, Thường Tín..., thực hiện các dự án xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng, sông Đuống, sông Đà (giai đoạn 2)... để giải quyết bài toán nước sạch cho người dân các huyện ngoại thành.

Những mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội trong nhiệm kỳ 2015-2020 khá cao, đòi hỏi sự quyết tâm, đồng thuận, phấn đấu bền bỉ của cả hệ thống chính trị của thành phố trong quá trình thực hiện. Nhưng chứng kiến những bước khởi đầu ấn tượng trong chín tháng của năm 2016 - năm đầu thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ 16, chúng ta tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo và ý chí vươn lên, thời gian tới, thành phố sẽ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với niềm mong đợi và tin yêu của nhân dân cả nước.

KIỀU HƯƠNG

Báo Nhân dân