Vượt đối thủ và vượt chính mình
Kể từ khi chỉ số PCI được công bố từ năm 2005 đến nay, Đà Nẵng đã có tới 7 năm dẫn đầu.
Kể từ khi chỉ số PCI được công bố từ năm 2005 đến nay, Đà Nẵng đã có tới 7 năm dẫn đầu. Tương tự như vậy, các địa phương nằm trong top đầu vẫn khá ổn định với một số tên tuổi quen thuộc như: Quảng Ninh, Đồng Tháp, Bình Dương, Lào Cai, Vĩnh Long, TP.HCM...
Điểm mới mẻ, có chăng là sự xuất hiện lần đầu tiên của Hà Nội trong nhóm Tốt, sau khi cải thiện được 10 bậc so với năm ngoái.
Bảng xếp hạng cho thấy, chất lượng điều hành kinh tế phản ánh qua chỉ số PCI của các địa phương không phụ thuộc nhiều vào vị trí địa lý, kinh tế, xã hội… Mặt khác, một số chỉ số không dễ để thay đổi trong ngày một ngày hai, như là tăng trưởng GDP, thu ngân sách, thu nhập bình quân đầu người…, song môi trường kinh doanh, đo đếm qua chỉ số PCI hoàn toàn có thể được cải thiện nhanh chóng nếu lãnh đạo địa phương thực sự chú trọng, quyết tâm.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI), hiện có 50 tỉnh, TP đang sử dụng PCI để lập kế hoạch phát triển về tăng trưởng đầu tư. Nhiều địa phương đạt chỉ số PCI cao cũng là nơi có môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư.
Đơn cử như Quảng Ninh xếp thứ 2 trong bảng xếp hạng năm nay, được nhiều doanh nghiệp như Tập đoàn Casino, chủ sở hữu chuỗi siêu thị Big C, hay Tập đoàn Texhong Móng Cái ghi nhận có thủ tục cấp phép nhanh gọn, dễ dàng trong số các địa phương mà doanh nghiệp từng làm việc. Có được kết quả này, theo lãnh đạo Quảng Ninh, xuất phát chính từ… vị trí khiêm tốn của tỉnh này trong bảng xếp hạng PCI những năm trước. Theo đó, năm 2012, Quảng Ninh xếp thứ 20/63 tỉnh, TP, nhưng sau một năm, tỉnh đã vươn lên vị trí thứ 4 và năm nay là vị trí thứ 2. Cùng quá trình “cải thiện PCI”, quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến dự án đầu tư, từ bước phê duyệt chủ trương đến cấp phép xây dựng đã rút ngắn từ 237 ngày xuống còn trung bình 109 ngày, giảm 55%; thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư chỉ còn trung bình 7 ngày thay vì 25 ngày…
Mặc dù vẫn còn một số địa phương ì ạch nhiều năm chưa “rời” được vị trí cuối của bảng xếp hạng; còn một số tỉnh, TP có điều kiện địa lý, kinh tế, xã hội thuận lợi nhưng công tác điều hành chậm đổi mới làm lãng phí tiềm năng… song qua thực tế, có thể khẳng định, PCI đã góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới tư duy phát triển và tạo ra cuộc đua tranh lành mạnh trong khu vực chính quyền nhà nước nhằm mục tiêu phục vụ doanh nghiệp, phục vụ thị trường tốt hơn.
Tuy nhiên, sự “dẫn đầu ổn định” của một số địa phương quen thuộc trong bảng xếp hạng PCI một vài năm gần đây cũng cho thấy, chưa có nhiều địa phương bứt phá mạnh trong cải thiện môi trường kinh doanh.
Song, những tỉnh, thành phố top đầu, cũng không nên vì vậy mà yên tâm yên vị. Bởi trong “cuộc đua” PCI này, vượt qua được các “đối thủ” không dễ, song với các địa phương dẫn đầu, tạo ra đột phá, vượt lên được chính mình còn là thách thức lớn hơn nữa. Chỉ có như vậy, môi trường đầu tư, kinh doanh cùng từng vùng, miền cũng như của cả nước mới không ngừng được cải thiện, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp lớn mạnh, đồng thời nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.
Thảo Nguyên