The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số: Định hướng chuyển đổi chiến lược của tỉnh Phú Yên

Phú Yên đẩy mạnh cải cách hành chính, hướng tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp; phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số có năng lực kiến tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Từ cải cách nền công vụ
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Phú Yên lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đặt ra yêu cầu đối với chính quyền địa phương phải có những cải cách toàn diện và mạnh mẽ, trong đó, cải cách chế độ công vụ, công chức là nội dung quan trọng, đóng vai trò quyết định sự thành công với mục tiêu xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động và minh bạch.
Trong giai đoạn 2011 - 2020, Phú Yên đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo chuyển biến tích cực trong hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, góp phần nâng cao năng lực thực thi công vụ, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Hiện nay, UBND tỉnh Phú Yên tiếp tục lấy ý kiến các cơ quan, địa phương để sửa đổi, bổ sung một số tiêu chí đánh giá về kết quả thực hiện các nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin và xây dựng chính quyền điện tử. Từ đó, góp phần xây dựng thành công chính quyền điện tử và cải thiện các chỉ số PCI, PAPI, PAR Index, SIPAS của tỉnh trong thời gian tới; nâng cao “chỉ số hài lòng” cho tổ chức, cá nhân và xây dựng hình ảnh đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Phú Yên ngày càng gần gũi với công dân.
Đến đột phá về chuyển đổi số
Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, ông Phạm Đại Dương nhấn mạnh, xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, kinh tế số, xã hội số đang là xu thế phát triển trong thời đại 4.0… và cũng là định hướng chuyển đổi mang tính chiến lược của tỉnh Phú Yên. Mục tiêu của Phú Yên là tạo được nền tảng số để người dân, doanh nghiệp có thể giao dịch với chính quyền qua mạng Internet, không cần trực tiếp đến trụ sở cơ quan.
Xác định rõ tác động mạnh mẽ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đến phương thức hoạt động của bộ máy nhà nước, ông Trương Ngọc Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Phú Yên nhìn nhận: “Xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số là nhiệm vụ chưa có tiền lệ, đòi hỏi quyết tâm chính trị rất cao của cấp ủy, người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương; đồng bộ, quyết liệt triển khai thực hiện ở các cấp, ngành, địa phương; kịp thời nắm bắt chuyển giao công nghệ...”.
Theo UBND tỉnh Phú Yên, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có sự phát triển vượt bậc, được triển khai đồng bộ ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã). Mạng truyền số liệu chuyên dùng được sử dụng trong các cuộc họp giao ban trực tuyến tại 18 điểm ở các sở, ngành, địa phương. Trung tâm Dữ liệu tỉnh Phú Yên cơ bản đảm bảo hoạt động ổn định, an toàn thông tin phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.
Cổng dịch vụ công và hệ thống thông tin một cửa điện tử, hệ thống quản lý văn bản và điều hành, thư công vụ, thông tin báo cáo được vận hành ổn định. Trục liên thông văn bản của tỉnh Phú Yên hoạt động hiệu quả, tỷ lệ văn bản đi, đến của các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh trên môi trường mạng đạt 100%; có 1.125 dịch vụ công trực tuyến đạt mức độ 3, 4 (trong đó, cấp tỉnh có 962 dịch vụ, cấp huyện có 135 dịch vụ và cấp xã có 28 dịch vụ).
Ông Trần Hữu Thế, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên đánh giá, chính quyền điện tử bước đầu đã làm thay đổi cách thức làm việc của các cơ quan nhà nước. Nhờ đó, các nhiệm vụ được giải quyết nhanh chóng, chính xác, đồng bộ hơn. Hoạt động của cơ quan nhà nước được công khai, minh bạch, tạo điều kiện cho nhân dân theo dõi, giám sát, tiết kiệm đáng kể thời gian, chi phí, công sức cho cả cơ quan nhà nước và người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, chính quyền điện tử đã phát huy được tính ưu việt, hỗ trợ các hoạt động để không làm gián đoạn công tác chỉ đạo điều hành của các cấp, các ngành và hạn chế việc lây lan dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cộng đồng…