The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

“Xây dựng được một môi trường kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp từ nâng cao DDCI”

Nỗ lực hướng đến nền hành chính phục vụ, Quảng Ninh đã đặt quyết tâm cao cho mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2016. Để đạt được điều này, bên cạnh những giải pháp cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư…, tỉnh triển khai bộ chỉ số DDCI đến tất cả 29 địa phương, sở, ngành trong tỉnh. Hôm nay, 23-1, UBND tỉnh tổ chức hội nghị công bố kết quả xếp hạng DDCI toàn tỉnh năm 2016. Nhân dịp này, PV Báo Quảng Ninh đã có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, về nội dung này.

– Xin đồng chí cho biết, việc triển khai thực hiện xếp hạng chỉ số DDCI của tỉnh năm 2016 có điểm khác biệt gì so với năm 2015?

+ Phải khẳng định rằng, một trong những sáng kiến đột phá trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh là việc xây dựng bộ chỉ số đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương – DDCI. Từ năm 2015, tỉnh đã thí điểm chọn 6 thành phố, thị xã có nhiều dự án đầu tư, nhiều doanh nghiệp và 7 sở, ngành có gắn kết mật thiết hoặc trực tiếp liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để tính điểm xếp hạng. Đối tượng được khảo sát bao gồm khoảng 1.400 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hoạt động trên các lĩnh vực ngành nghề: Công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp. Nội dung khảo sát tập trung vào thu thập ý kiến của doanh nghiệp đối với chất lượng điều hành của các sở, ngành và địa phương của Quảng Ninh về 7 nội dung cơ bản liên quan tới môi trường kinh doanh: (1) Tiếp cận thông tin; (2) Tính năng động; (3) Chi phí thời gian; (4) Chi phí không chính thức; (5) Cạnh tranh bình đẳng; (6) Hỗ trợ doanh nghiệp và (7) Thiết chế pháp lý. Đây cũng là những nội dung tham khảo từ phiếu khảo sát PCI của VCCI, song có điều chỉnh cho phù hợp với thực tế tại tỉnh Quảng Ninh. Hiệp hội Doanh nghiệp được giao chủ trì phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư, Ban Quản lý các khu kinh tế, Trung tâm Hành chính công tỉnh và các địa phương tiến hành triển khai phát phiếu, thu phiếu. Kết quả khảo sát DDCI năm 2015 của tỉnh đã ghi nhận những phản ánh, đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp về những nỗ lực cải cách của các sở, ngành, địa phương. Tuy nhiên, kết quả khảo sát thí điểm cũng cho thấy cộng đồng doanh nghiệp vẫn rất kỳ vọng vào những cải cách quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa của Quảng Ninh trong thời gian tới.

Do đó, bộ chỉ số DDCI của tỉnh 2016 đã được nghiên cứu, xây dựng với những tiêu chí mới so với bộ chỉ số thí điểm năm 2015. Đối tượng khảo sát năm nay gồm 29 cơ quan (tăng 16 cơ quan so với năm 2015, gồm: 14 huyện, thị xã và thành phố trên toàn tỉnh; 15 sở, ngành có nhiều giao dịch với tổ chức kinh tế); đối tượng lấy ý kiến đánh giá là trên 3.500 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh cá thể (tăng hơn 200% so với 2015). Trong bộ phiếu đánh giá DDCI mới, tỉnh đã bổ sung tiêu chí đánh giá Trách nhiệm, xếp hạng của người đứng đầu từng địa phương và các sở, ngành. Đây cũng được xem là bước đột phá, mạnh dạn và quyết liệt trong triển khai DDCI năm 2016. Đặc biệt, tỉnh đã lựa chọn một cơ quan tư vấn độc lập có kinh nghiệm trong điều tra PCI, thống kê và điều tra xã hội học với các chuyên gia hàng đầu của Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực này. Đồng thời, tỉnh cũng thành lập Tổ giúp việc triển khai kế hoạch khảo sát, điều tra đánh giá về năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và địa phương đặt tại Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư tỉnh (IPA), gồm 3 thành phần: Đơn vị tư vấn, IPA và Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh nhằm đảm bảo tính khách quan.

– Rất nhiều ý kiến cho rằng, DDCI 2016 sẽ là cuộc chạy đua quyết liệt của tất cả các sở, ngành, địa phương trong tỉnh, đồng chí nghĩ thế nào về ý kiến này?

+ Đúng như vậy, DDCI sẽ là thước đo về năng lực cạnh tranh của từng đơn vị, hiệu quả điều hành kinh tế và trách nhiệm của người đứng đầu khi giải quyết các vấn đề liên quan tới doanh nghiệp. Bởi vậy DDCI 2016 sẽ là cuộc ganh đua quyết liệt, buộc các đơn vị phải có sự chuyển biến thực sự, sự cải thiện về bản chất trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Từ kết quả DDCI này, các địa phương, sở, ngành sẽ biết mình đang đứng ở đâu, năng lực cạnh tranh của mình thế nào. Với DDCI, các địa phương, sở, ngành không thể tự nói tài, tự khen hay trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được mà điều đó phải do doanh nghiệp đánh giá thông qua những lá phiếu của doanh nghiệp. Vì thế, kết quả khảo sát DDCI là phản ánh đúng thực trạng chất lượng công tác điều hành của các sở, ngành, địa phương qua đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp. Chỉ số đánh giá chất lượng điều hành của các sở, ngành và địa phương (DDCI) không chỉ là thước đo chất lượng điều hành mà còn làm cơ sở cho UBND tỉnh xác định các biện pháp phù hợp để thúc đẩy cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian tới, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh.

– Đồng chí đánh giá thế nào về tính minh bạch, rõ ràng của cuộc đua DDCI này?

+ Trước tiên, phải khẳng định một lần nữa rằng: Việc triển khai, tổ chức đánh giá DDCI được thực hiện bởi một đơn vị tư vấn uy tín và độc lập, nằm ngoài hệ thống chính trị. Quá trình khảo sát cũng được thực hiện với nhiều đối tượng, nhiều loại hình doanh nghiệp khác nhau. Đối tượng lấy ý kiến đánh giá năm 2016, ngoài các doanh nghiệp dân doanh đang hoạt động, sản xuất kinh doanh trên địa bàn của tỉnh còn có thêm các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã tại các địa phương trong tỉnh. Phương pháp được sử dụng để khảo sát doanh nghiệp chủ yếu là qua đường thư tín nhằm đảm bảo tính bảo mật và khuyết danh của doanh nghiệp và tăng chất lượng và tính xác thực, khách quan của phản hồi… Vì thế, kết quả xếp hạng DDCI 2016 là hoàn toàn minh bạch, rõ ràng, sát thực và khẳng định vai trò của cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế trong tham gia đánh giá DDCI. Do vậy, khi DDCI được triển khai, các sở, ngành, địa phương đã ý thức rõ ràng hơn về trách nhiệm phải nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng điều hành về kinh tế của các cơ quan công quyền thuộc tỉnh, đồng thời xây dựng hình ảnh môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển của khối doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thực tế đã chứng minh việc đưa ra những quyết sách, mô hình hiệu quả trong xúc tiến đầu tư, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp… từ cấp sở, ngành, địa phương đã giúp tỉnh xây dựng được một môi trường kiến tạo và phục vụ doanh nghiệp.

– Xin cảm ơn đồng chí!

LÊ HẢI

VFpress