The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Xóa bỏ mảnh đất màu mỡ đẻ ra nhũng nhiễu và tham nhũng

Tuần trước Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đề xuất Chính phủ bãi bỏ gần 2.000 điều kiện kinh doanh.

Lý do để bộ đưa ra đề xuất là vì các điều kiện kinh doanh này không cần thiết, tạo ra rào cản bất hợp lý đối với đầu tư, làm hạn chế số lượng doanh nghiệp đăng ký mới, gây nản lòng các doanh nghiệp, giảm cạnh tranh thị trường, giảm động lực đổi mới sáng tạo, giảm năng suất và sức cạnh tranh cho nền kinh tế. Quan trọng hơn, nhiều điều kiện kinh doanh không rõ ràng, tạo cơ hội cho sự tùy tiện của cơ quan quản lý nhà nước và sự nhũng nhiễu của cán bộ.

Rõ ràng các điều kiện kinh doanh không cần thiết đang làm tổn hại nghiêm trọng môi trường kinh doanh và làm tăng chi phí cho doanh nghiệp. Điều đó hoàn toàn đi ngược lại với cam kết của Chính phủ trong thời gian qua.

Điều đáng nói là vấn nạn điều kiện kinh doanh không phải vấn đề mới mà đã tồn tại từ nhiều năm nay. Nếu tính từ khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định thành lập Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp vào năm 1999, cuộc chiến nhằm xóa bỏ những điều kiện kinh doanh không hợp lý đến nay đã trải qua 18 năm.

Thế nhưng, số lượng điều kiện kinh doanh chẳng những không giảm mà còn tăng mạnh. Và đến năm 2014, khi các nhà soạn thảo đưa được vào Luật Đầu tư ràng buộc cấp bộ không được phép ban hành điều kiện kinh doanh, nhiều doanh nghiệp đã kỳ vọng số lượng điều kiện kinh doanh sẽ giảm mạnh khi quy định này có hiệu lực từ ngày 1-7-2016. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn 4.284 điều kiện kinh doanh tồn tại. Trong đó, Bộ Công Thương có tới 1.152 điều kiện kinh doanh. Con số này cho thấy lĩnh vực công nghiệp và thương mại đang chịu rào cản lớn đến mức nào.

Các cơ quan nhà nước luôn có xu hướng bảo vệ điều kiện kinh doanh, vì cho rằng đó là công cụ để tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước. Nhưng thực tế thì khác hẳn. Hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước không tăng theo số lượng điều kiện kinh doanh, thậm chí còn kém hơn. Trong khi khó khăn của doanh nghiệp thì thêm chồng chất và cơ hội để doanh nghiệp bị nhũng nhiễu cũng gia tăng. Điều này thể hiện khá rõ qua các báo cáo hàng năm về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tiến hành.

Suốt gần hai thập kỷ qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư luôn nỗ lực để đề xuất xóa bỏ rào cản, tạo lập môi trường kinh doanh thông thoáng cho doanh nghiệp. Mặc dù nỗ lực ấy luôn được Thủ tướng và các Phó thủ tướng ủng hộ, nhưng xem ra đó vẫn chỉ là hành động đơn độc. Tất cả những gì bộ này có thể làm là đề xuất ra các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp với nội dung các điều khoản ngày càng thuận lợi hơn. Nhưng chừng đó vẫn là chưa đủ khi mà xu hướng muốn quản lý bằng giấy phép của số đông cơ quan hành chính nhà nước vẫn còn rất nặng nề.

Điều kiện kinh doanh đang được một số cán bộ, quan chức xem như một công cụ để trục lợi nên không muốn từ bỏ. Đây chỉ là nhóm nhỏ, nhưng tiếng nói ngăn cản tiến trình cải cách của họ có thể không yếu chút nào. Vì thế, để có thể xóa bỏ hết những rào cản kinh doanh và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp, Chính phủ cần có hành động thật dứt khoát với vấn nạn điều kiện kinh doanh và chuyển hẳn sang phương thức hậu kiểm theo tiêu chuẩn, quy chuẩn thay cho phương thức tiền kiểm là xét duyệt và cấp phép. Đây thực chất là cơ chế xin - cho, kém hiệu quả nhưng lại là mảnh đất màu mỡ cho nhũng nhiễu và tham nhũng phát triển.

Thời báo Kinh tế Sài Gòn

The SaiGonTimes