The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Ý thức công bộc

Hội nghị triển khai nghị quyết của Tỉnh ủy về cải cách hành chính và bàn các giải pháp nâng cao các chỉ số PCI, PAPI, mở ngày 17.5.2016 tại Quảng Nam được xem là sự tích hợp những đánh giá của cộng đồng doanh nghiệp, cảm nhận sự hài lòng của người dân về hành chính công hay bản thân nội tại của các cơ quan công quyền.

Hội nghị này có thể ví như một cuộc “tự soi mình”, chẩn bệnh để biết tình trạng cơ thể mà tìm cách kê đơn, bốc thuốc để chữa lành “vết thương”. Vì vậy, một lần nữa, những tồn tại về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, sự giảm điểm của các chỉ số thành phần PCI… lại được mổ xẻ, phân tích. Hầu hết đại biểu tham dự đều đánh giá cao các hoạt động “một cửa liên thông”, tiếp doanh nghiệp định kỳ… Sự chuyển tải một cách thông suốt tư tưởng cải thiện PCI, cải cách hành chính hay chỉ số PAPI, từ lãnh đạo tỉnh đến cán bộ nhà nước các cấp là bước chuyển quan trọng của Quảng Nam: từ quản lý sang phục vụ. Đó là căn cứ để địa phương tự soi mình để cải cách. Hầu hết đều thừa nhận cải cách không phải là cuộc đua thứ hạng mà cần phải được xem như một quá trình nhìn lại bản thân để nỗ lực nâng cao chất lượng điều hành kinh tế cấp tỉnh và đo lường sự hài lòng của người dân về một thể chế kinh tế hay xã hội địa phương đang dần hoàn thiện. Các công cụ này sẽ chỉ ra những điểm mạnh, yếu của địa phương, đưa ra những giải pháp phù hợp để cải thiện.

Có lẽ, điều khó nhất là tạo sự chuyển biến, từ người lãnh đạo cao nhất đến từng công chức thấp nhất, đồng lòng hỗ trợ doanh nghiệp, dựng lại niềm tin của người dân, có lẽ cũng chính là khía cạnh tích cực nhất của các chỉ số này thay vì chạy theo những con số chỉ tiêu mơ hồ và khô cứng. Phải thừa hiểu một điều rằng những cam kết của chính quyền trước cộng đồng doanh nghiệp hay người dân, hay nói đúng hơn là trước một chủ trương đúng, một chính sách hợp lý sẽ rất cần những con người thừa hành có đủ năng lực. Không có năng lực nội sinh này mọi thúc ép đều trở nên vô nghĩa.

Việc ban hành một nghị quyết, văn bản thì rất dễ nhưng để chuyển nghị quyết, văn bản đó thành hành động và sau đó cộng đồng doanh nghiệp cảm nhận được rõ ràng thì vẫn còn gian nan. Theo góc nhìn ấy, chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang tại hội nghị vào sáng qua là điều đáng để các công chức nhà nước xây dựng ý thức và thực hiện đúng tư cách là công bộc của dân khi ông tuyên bố hãy tạo ra một chương trình hành động cụ thể, bắt đầu từ nguyên tắc chỉ đạo từ trên xuống dưới thay vì làm ngược quy trình như hiện nay, thống nhất các bộ thủ tục hành chính, đề cao vai trò trách nhiệm người đứng đầu và xây dựng hệ thống chế tài đủ mạnh, đủ khả năng xử lý, đánh giá trách nhiệm của từng vị trí việc làm.

Giống như tạo dựng một thương hiệu, chỉ khi nào người lãnh đạo cảm nhận, ý thức được những giá trị, mục tiêu thương hiệu mà cộng đồng địa phương mình đang hướng đến và công chức nỗ lực thực thi sứ mệnh vì dân phục vụ thì mới có quyền hy vọng về một Quảng Nam phát triển, hấp dẫn hơn trong mắt doanh nghiệp.

TÙY PHONG

Báo Quảng Nam