The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Yên Bái: Cải cách thủ tục hành chính, trợ giúp doanh nghiệp để nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh

Phát huy tiềm năng, thế mạnh trong phát triển kinh tế

Yên Bái là tỉnh miền núi, cửa ngõ của miền Tây Bắc, có vị trí quan trọng, có thế mạnh phát triển nông lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, nông nghiệp công nghệ cao; công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến nông, lâm sản; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hóa; có hệ thống giao thông kết nối vùng tương đối đa dạng, nhất là đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; gần thủ đô Hà Nội, gần trung tâm kinh tế lớn, nằm ở trung điểm của tuyến hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng thuận lợi để phát triển kinh tế kết nối vùng, hội nhập và phát triển thương mại, dịch vụ không chỉ với các tỉnh trong nước, mà còn với các nước trong khu vực, đặc biệt là với các tỉnh Tây Nam Trung Quốc.

Xác định rõ những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, trong những năm gần đây, phát triển kinh tế của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn trong giai đoạn 2011 - 2015 đạt từ 11-13,5%/năm, cao gấp trên 2 lần so với tốc độ tăng trưởng của cả nước. Cơ cấu kinh tế của tỉnh đã có những thay đổi, tỷ trọng ngành nông, lâm, thủy sản giảm từ 24,54% năm 2010 xuống còn 24,17% năm 2015; tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng tăng từ 22,4% năm 2010 lên 28,55% năm 2015; tỷ trọng ngành dịch vụ giảm từ 42,88% năm 2010 xuống còn 47,28% năm 2015.

Những năm gần đây các loại hình doanh nghiệp phát triển, cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động. Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đã được tỉnh thực hiện tốt. Các biện pháp hỗ trợ tiếp cận tài chính; hỗ trợ đổi mới công nghệ và áp dụng công nghệ mới, nâng cao năng lực quản trị, phát triển nguồn nhân lực đã được chú trọng. Cơ chế chính sách để hình thành một số doanh nghiệp lớn có sức cạnh tranh cao, đủ sức thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tiên phong thực hiện những nhiệm vụ lớn của tỉnh đã được hình thành.

Các doanh nghiệp đã đóng góp trên 50% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, giải quyết việc làm cho số lượng lớn lao động của địa phương, góp phần quan trọng vào thực hiện các mục tiêu xoá đói giảm nghèo, phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp vẫn còn rất nhiều khó khăn: năng lực, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn yếu, nên luôn bị động trước các diễn biến của thị trường, dẫn đến hiệu quả hoạt động chưa cao.

Quan tâm cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh

Trong những năm gần đây, môi trường kinh doanh của Yên Bái đã có những cải thiện nhất định. Tuy nhiên, xét về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, thứ hạng của Yên Bái trong 3 năm trở lại đây bị tụt đáng kể so với những năm trước đó khi chỉ số này bắt đầu được thực hiện. Trong đó đáng lưu ý là, (i) chỉ số cơ sở hạ tầng giảm từ 63,53 điểm năm 2006 xuống chỉ còn 48,25 điểm năm 2014; (ii) còn 6/10 chỉ số thành phần có mức giảm năm 2014 so với năm 2013, trong đó một số chỉ số đáng lưu ý là tính năng động giảm từ 6,34 điểm xuống còn 4,2 điểm; chi phí không chính thức giảm từ 5,89 điểm xuống còn 4,53 điểm; thiết chế pháp lý giảm từ 5,94 xuống còn 4,82; chỉ số mới về cạnh tranh bình đẳng bắt đầu được đo lường từ 2013 cũng có sự giảm đi, từ 5,67 điểm xuống còn 5,05 điểm. Do vậy, đây cũng là điều đáng báo động đối với tỉnh và cần phải có sự đánh giá, phân tích sâu để tìm ra nguyên nhân của thực trạng này qua đó đưa ra các giải pháp để cải thiện điểm số và thứ hạng của tỉnh trong bảng xếp hạng nói riêng và cải thiện môi trường kinh doanh của tỉnh nói chung.

UBND tỉnh nhận định và phân tích nguyên nhân của thực trạng trên là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu và những khó khăn của kinh tế trong nước đã tác động đến nền kinh tế của tỉnh.Vướng mắc từ khung thể chế liên quan đến hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp. Là tỉnh vẫn còn có nhiều khó khăn (hạ tầng cơ sở, trình độ lao động, ... còn thấp) cùng với vị trí xếp hạng cạnh tranh cấp tỉnh thấp đã dẫn đến sức hút các nhà đầu tư từ bên ngoài bị hạn chế. Việc xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch hành động, trong đó xác định rõ mục tiêu, nhiệm vụ, tiến độ thực hiện, kết quả dự kiến đạt được chưa được quan tâm đúng mức. Xác định việc cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2015 và cả giai đoạn 2015 - 2020. Do đó, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành trên cơ sở phân tích nguyên nhân hạn chế, xác định rõ nhiệm vụ, đưa ra giải pháp, tổ chức thực hiện đạt hiệu quả cao nhất nhằm đạt được mục tiêu xây dựng môi trường thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Yên Bái.

Cải cách thủ tục hành chính, trợ giúp doanh nghiệp để nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh

Hiện nay, tỉnh ta đã và đang ngày càng hội nhập sâu, rộng vào sự phát triển chung của cả nước. Quá trình này đem lại nhiều cơ hội cho tỉnh để phát triển nền kinh tế nhưng cũng chứa đựng trong đó không ít thách thức, đặc biệt là thách thức về việc cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư và nâng cao khả năng cạnh tranh, hiệu quả của các doanh nghiệp.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới là đẩy mạnh cải cách để tạo đột phá thực sự trong cải cách thủ tục hành chính, trợ giúp doanh nghiệp để để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh.

Trên cơ sở phát huy lợi thế của tuyến đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai đưa vào khai thác; cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh (điện, nước; dịch vụ tài chính, tín dụng; dịch vụ thông tin - liên lạc; nguồn nhân lực;…). Một số khu, cụm công nghiệp đã và đang được tích cực triển khai xây dựng và đã có kế hoạch xây dựng các khu công nghiệp kết nối với đường cao tốc. Cùng với việc tỉnh đã ban hành và thực hiện quyết liệt các chính sách khuyến khích phát triển doanh nghiệp; danh mục các ngành, lĩnh vực ưu tiên khuyến khích đầu tư phát triển; các ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư như về đất đai, giải phóng mặt bằng; đào tạo lao động; Tổ chức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp” định kỳ hàng tháng; Cam kết rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận đầu tư từ 15 ngày xuống còn 5 - 7 ngày; Thời gian thực hiện các thủ tục cấp phép xây dựng, thuê đất đai, cấp điện nước, đánh giá tác động môi trường và các thủ tục hành chính khác có liên quan tới doanh nghiệp không quá 7 ngày; Tỉnh đã thành lập các tổ công tác: Tổ Thu hút đầu tư, Tổ Tháo gỡ khó khăn và khuyến khích phát triển doanh nghiệp...

Để thực hiện mục tiêu cải cách hành chính, trợ giúp doanh nghiệp, thu hút đầu tư và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, trong những năm tới tỉnh Yên Bái sẽ tập trung triển khai thực hiện quyết liệt các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII liên quan đến môi trường đầu tư, kinh doanh. Rà soát các quy định do tỉnh ban hành và tình hình thực hiện các quy định đó để có những sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

Đồng thời tiếp tục nghiên cứu, bổ sung Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP theo hướng bám sát và cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của Nghị quyết đảm bảo việc triển khai đạt được kết quả thiết thực, hiệu quả. Tiếp tục củng cố của các chỉ số đạt thứ hạng khá và tập trung cải thiện các chỉ số đạt thứ hạng thấp đã nêu ở phần trên, đặt mục tiêu năm 2016 phấn đấu đạt mức trung bình khá trong bảng xếp hạng chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện Chương trình hành động về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh đã đề ra; có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt; kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành hiệu quả. Chủ động phối hợp thực hiện các giải pháp có liên quan; thực hiện kết nối thông tin giữa các Bộ, cơ quan.

Tỉnh tập trung xây dựng và phát triển chính quyền “điện tử” nhằm giảm bớt thời gian, chi phí của các doanh nghiệp khi làm việc với các cơ quan có liên quan, đồng thời tăng cường khả năng quản lý của các cơ quan trên địa bàn tỉnh. Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức của tỉnh, đặc biệt là những cán bộ có liên quan trực tiếp đến công tác xử lý thủ tục hành chính đối với khu vực doanh nghiệp để đáp ứng tốt yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới.

Một trong những nội dung rất quan trọng là tiếp tục thực hiện các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Có cơ chế để lựa chọn và tập trung hỗ trợ đối với các doanh nghiệp thực sự có tiềm năng trong lĩnh vực sản xuất, chế tạo và công nghệ cao để trở thành các động lực cho khu vực doanh nghiệp phát triển. Tiếp tục đẩy mạnh việc xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng, đặc biệt là tập trung cho việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp có vị trí thuận lợi có khả năng hấp dẫn cao các nhà đầu tư, các doanh nghiệp. Chú trọng khuyến khích các nhà đầu tư vào các lĩnh vực ưu tiên thông qua cơ chế ưu đãi, khuyến khích hiệu quả. Có chính sách khuyến khích liên kết giữa các doanh nghiệp, xây dựng và phát triển một số chuỗi giá trị các ngành hàng, sản phẩm mà Tỉnh có tiềm năng.

Cùng với đó thực hiện có hiệu quả hình thức “Diễn đàn kết nối doanh nghiệp” định kỳ hàng tháng; định kỳ hàng quý Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các sở ban ngành có liên quan tiếp xúc giải quyết khó khăn, vướng mặc, kiến nghị, thúc đấy phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Tăng cường trao đổi, hợp tác với các địa phương, đặc biệt là các tỉnh lân cận và các vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc cũng như các địa phương của các quốc gia lân cận (Trung Quốc, ASEAN). Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan Trung ương có liên quan (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam,…) và các cơ sở nghiên cứu (viện, trường,...) để nghiên cứu, đề xuất các chính sách mang tính đặc thù, phù hợp với đặc điểm của tỉnh nhưng không trái với quy định, chính sách chung của Nhà nước. Định kỳ tổng hợp, đánh giá, báo cáo tình hình triển khai và kết quả thực hiện Chương trình hành động, Chương trình công tác của Tỉnh về cải thiện môi trường kinh doanh. Thường xuyên đánh giá, kiểm tra, giám sát tiến độ và kết quả thực hiện các Chương trình hành động, chương trình công tác này để đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, linh hoạt; kiến nghị, đề xuất những giải pháp chỉ đạo, điều hành hiệu quả.

Trên cơ sở nhận thức rõ tiềm năng, lợi thế cũng như khó khăn, thách thức, phát huy những kết quả đạt được, cùng với sự năng động, sáng tạo, tiếp tục giữ vững và phát huy sự đoàn kết, nhất trí của lãnh đạo tỉnh cùng các ngành chuyên môn, tin tưởng rằng Yên Bái sẽ chủ động nắm bắt thời cơ, khai thác lợi thế, tạo bước đột phá mạnh mẽ nhằm chuyển biến tình hình, xây dựng tỉnh phát triển nhanh, bền vững và nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế, đạt mục tiêu là tỉnh phát triển khá trong vùng Trung du và Miền núi phía Bắc

Theo http://www.yenbai.gov.vn, ngày 10/10/2015