Yên Bái cải thiện môi trường đầu tư và nâng cao chỉ số PCI: Mục tiêu tốp đầu, cần quyết tâm rất lớn
26 Tháng 7, 2021
Sau những nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư (MTĐT), Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Yên Bái liên tục được cải thiện và chuyển biến tích cực. Theo kết quả công bố PCI năm 2020 của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tỉnh Yên Bái xếp thứ hạng 33/63 tỉnh, thành phố và xếp thứ 6/14 tỉnh, thành khu vực miền núi phía Bắc…
Môi trường kinh doan ngày càng cải thiện
PCI là tiếng nói quan trọng của các doanh nghiệp (DN) tư nhân về môi trường kinh doanh địa phương. Thứ hạng PCI càng cao, càng thể hiện MTĐT hấp dẫn, thông thoáng, thân thiện. Theo kết quả xếp hạng chỉ số PCI năm 2020, Yên Bái đạt 63,35 điểm, xếp thứ 33/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so với năm 2018, tăng 3 bậc so với năm 2019.
Với kết quả này, Yên Bái xếp thứ 6/14 tỉnh, thành trong khu vực miền núi phía Bắc, đứng sau các tỉnh: Thái Nguyên, Lào Cai, Phú Thọ, Bắc Giang và Tuyên Quang. Môi trường kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã có những cải thiện đáng kể so với những năm trước. Nhiều tiêu chí được cải thiện đáng kể và nhận được sự phản hồi tích cực của DN, người dân.
Theo phân tích, trong 10 chỉ số thành phần có 5 thành phần tăng điểm gồm: Tính năng động của chính quyền; Chi phí không chính thức; Chi phí thời gian; tiếp cận đất đai; đào tạo lao động.
Đặc biệt, chỉ số Chi phí không chính thức (CPKCT) đã có sự bứt phá mạnh mẽ, đạt 7,08 điểm, tăng 1,31 điểm và tăng 35 bậc so với năm 2019. Qua khảo sát, chỉ có 3% DN phải chi hơn 10% doanh thu cho các khoản chi phí không chính thức; tỷ lệ DN phải trả CPKCT trong thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) đất đai đã giảm mạnh từ 47% năm 2019 xuống còn 7% năm 2020.
Bên cạnh đó, tỷ lệ DN có chi trả CPKCT cho cán bộ thanh tra là 38%... PCI năm 2020 cũng ghi nhận chỉ số tính năng động của chính quyền được cải thiện mạnh từ vị trí 52 đã vươn lên vị trí 28 của cả nước. Chỉ số này, phản ánh trách nhiệm nỗ lực và sáng tạo của hệ thống chính quyền trong vận dụng cơ chế, chính sách, giải quyết tháo gỡ kịp thời những vấn đề liên quan đến DN, nhà đầu tư mang lại sự hài lòng cho cộng đồng DN.
Phân tích sâu về chỉ số "Tính năng động của chính quyền” cho thấy, có đến 85% số DN cho rằng, UBND tỉnh vận dụng pháp luật linh hoạt trong khuôn khổ nhằm tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho kinh tế tư nhân; 73% DN đánh giá UBND tỉnh năng động, sáng tạo trong giải quyết các vấn đề mới phát sinh; 52% DN cho rằng, thái độ của chính quyền tỉnh đối với khu vực tư nhân là tích cực; 95% DN nhận được phản hồi của tỉnh sau khi phản ánh khó khăn vướng mắc và 80% DN hài lòng với phản hồi và cách giải quyết của cơ quan Nhà nước tỉnh; 77% DN đánh giá các vướng mắc, khó khăn của DN được tháo gỡ kịp thời qua đối thoại.
Tuy nhiên, theo bảng điểm và vị trí các chỉ số thành phần PCI năm 2020, Yên Bái cũng có 5 chỉ số giảm bậc trên bảng xếp hạng đó là: Chỉ số Gia nhập thị trường, tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng, dịch vụ hỗ trợ DN, thiết chế pháp lý và an ninh trật tự; trong đó, phải kể đến Chỉ số Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự có sự giảm sâu với 6,21 điểm giảm 0,93 điểm và giảm 39 bậc so với năm 2019 xếp thứ 53/63 tỉnh, thành phố.
Nguyên nhân, do DN nhận định hệ thống pháp luật có cơ chế giúp DN tố cáo cán bộ nhũng nhiễu, tỷ lệ DN tin tưởng hệ thống pháp luật sẽ đảm bảo quyền tài sản hoặc thực thi hợp đồng của DN chưa cao; vẫn còn tình trạng DN phải trả tiền "bảo kê” để hoạt động sản xuất, kinh doanh được ổn đinh; phán quyết tòa án được thi hành còn chậm.
Do đó, thời gian tới, tỉnh cần có cơ chế hiệu quả để giúp DN tố cáo những cán bộ có dấu hiệu nhũng nhiễu, gây khó khăn cho DN; khắc phục tình trạng DN phải trả tiền "bảo kê” để hoạt động sản xuất, kinh doanh được ổn định nhằm đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của DN.
Cần những giải pháp quyết liệt
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 tiềm ẩn nguy cơ khó lường; tình hình thời tiết có diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống, sinh hoạt của nhân dân thì sự nỗ lực, quyết tâm của các cấp, ngành trong cải cách hành chính, cải thiện MTĐT kinh doanh có tác động rất lớn trong việc hoàn thành mục tiêu kép vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch vừa tập trung phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời cần tiếp tục phấn đấu cải thiện chỉ số PCI năm 2021 tăng từ 2 - 4 bậc so với năm 2020 và nằm trong nhóm năng lực điều hành khá của cả nước, nằm ở tốp đầu khu vực miền núi phía Bắc.
Bởi vậy, thời gian tới, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh cần tiếp tục thực hiện linh hoạt, hiệu quả mục tiêu kép; trong đó, chú trọng hỗ trợ người dân, DN phục hồi sản xuất, kinh doanh, khắc phục các tác động tiêu cực của dịch Covid-19; tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch hành động số 36/KH-UBND ngày 03/2/2021 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết số 02/NQ - CP ngày 1/1/2021 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2021 của tỉnh Yên Bái; rà soát 10 chỉ số thành phần và chỉ số cấu thành chỉ số thành phần để đánh giá một cách khách quan, toàn diện lý do những chỉ số nào còn ở mức điểm thấp và biện pháp để cải thiện nâng cao điểm số cũng như thứ hạng của các chỉ số đó.
Cùng đó, tiếp tục khẳng định và tạo niềm tin cho các DN thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo MTĐT bình đẳng giữa các DN và xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm; trong đó, tập trung để tháo gỡ khó khăn và cải cách TTHC về đất đai, thuế, môi trường cho DN.
Các sở, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, phát triển DN nhỏ và vừa theo Nghị quyết số 08 ngày 15/3/2019 của HĐND tỉnh; đổi mới và đa dạng hóa các hình thức đối thoại, gặp gỡ cộng đồng DN; tích cực, chủ động tháo gỡ khó khăn cho DN, nhất là về thủ tục gia nhập thị trường, đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường... theo hướng bình đẳng, công bằng, tạo thuận lợi nhất cho DN trong khuôn khổ pháp luật đặc biệt là trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và trong nước do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thường xuyên cập nhật, công khai các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách, TTHC liên quan đến DN, nhà đầu tư, tạo điều kiện tối đa cho DN khai thác thông tin; thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, môi trường và các TTHC liên quan, tạo thuận lợi, sự bình đẳng, công bằng giữa các DN thuộc mọi thành phần kinh tế…
Theo Báo Yên Bái