The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Yên Bái : Cam kết cải thiện PCI

Tin đưa ngày 28/12/2017

Từ những giải pháp cụ thể, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Yên Bái năm 2016 tăng 4 bậc so với năm 2015, từ nhóm trung bình đứng thứ 51/63 lên top khá 47/63 tỉnh, thành. Tuy nhiên, vẫn có 4 Chỉ số còn thấp điểm so với năm 2015. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này, Báo DĐDN có cuộc PV ông Nguyễn Chiến Thắng, P. Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái.

Theo ông Thắng, năm 2016, Yên Bái đã thực thi nhiều giải pháp như: Khảo sát đánh giá năng lực cạnh tranh với 13 sở, ban ngành và 9 huyện, thị xã, thành phố; Rà soát, kiến nghị bộ, ngành TƯ sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, loại bỏ các TTHC chồng chéo, phức tạp; Hỗ trợ doanh nghiệp thông qua điện thoại đường dây nóng, gặp gỡ doanh nghiệp định kỳ hàng tháng qua chương trình “Cafe Doanh nhân” nhằm tháo gỡ khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh.

- Với nhiều giải pháp như vậy, tại sao PCI của Yên Bái vẫn còn 4 Chỉ số thấp điểm so với năm 2015, thưa ông?

Tôi cho rằng, nguyên nhân là do sự phối hợp, tham gia của các cơ quan chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Trách nhiệm của một số cán bộ, công chức trong việc giải quyết TTHC đối với doanh nghiệp chưa cao. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành với địa phương trong xem xét, chấp thuận một vài dự án đầu tư vẫn còn chậm. Đặc biệt, một số cơ quan chuyên môn chưa thật sự là cầu nối, trọng tài và là hậu thuẫn giữa doanh nghiệp với các tổ chức tài chính.

- Những hạn chế này sẽ được Yên Bái cam kết khắc phục, thưa ông?

Thực tế, những năm gần đây Yên Bái quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi. Đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, kinh doanh, nhất là kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của BCH Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, phát huy, duy trì các chỉ số đã đạt thứ hạng cao, tập trung khắc phục 4 chỉ số còn thấp điểm là: Gia nhập thị trường, Chi phí thời gian, Hỗ trợ doanh nghiệp và Đào tạo lao động.

- Ông có thể cho biết cụ thể hơn?

Cụ thể, Yên Bái đã tổ chức Hội nghị đánh giá công tác nâng cao PCI năm 2016, 6 tháng đầu năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.

Qua đó, các đơn vị, sở, ngành và địa phương phát huy vai trò người đứng đầu và người trực tiếp giải quyết, đơn vị nào không hoàn thành thì người đứng đầu đơn vị không hoàn thành nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đề xuất thứ hạng cải thiện đối với từng chỉ số gắn với nhiệm vụ cụ thể của từng ngành, địa phương.

p/Ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chủ trì Hội thảo giới thiệu và XTĐT các sản phẩm du lịch tỉnh yên bái.

Ông Đỗ Đức Duy - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái chủ trì Hội thảo giới thiệu và XTĐT các sản phẩm du lịch tỉnh Yên Bái

Với mục tiêu “Sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp là thước đo cải cách hành chính”, tỉnh đã chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương rà soát TTHC, công bố thủ tục mới ban hành và TTHC bãi bỏ trong một số lĩnh vực theo đúng quy định. Đồng thời, công khai TTHC tại trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, trên trang thông tin điện tử các Sở, ngành, địa phương và Cổng Thông tin điện tử tỉnh. Đến nay, 16/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh; 9/9 huyện, thị, thành phố; 180/180 xã, phường, thị trấn và các cơ quan ngành dọc của TƯ tại địa phương hoạt động theo cơ chế một cửa – một cửa liên thông. Bên cạnh đó, tỉnh cũng triển khai phần mềm một cửa điện tử hiện đại tại Sở Thông tin và Truyền thông, UBND TP.Yên Bái, huyện Văn Yên; đẩy mạnh hiện đại hóa hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, đã có 39 cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn sử dụng phần mềm điều hành tác nghiệp trong xử lý nhiệm vụ chuyên môn.

Mặt khác, Yên Bái cũng kiện toàn tổ chức các cơ quan chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện, phân định cụ thể chức năng, phạm vi quản lý của các ngành, hợp lý hóa cơ cấu bên trong của các sở, ngành và nâng cao hiệu quả quản lý, tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích. Đặc biệt, quý I/2018 sẽ đưa Trung tâm hành chính công vào hoạt động … Ngoài ra, việc siết chặt kỷ cương, kiện toàn bộ máy cùng với sự chuyển động của đội ngũ cán bộ, công chức trên tinh thần "lấy sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp là tiêu chí, thước đo đánh giá mức độ hoàn thành công việc" được tỉnh đặc biệt quan tâm…

Ngoài ra, Yên Bái triển khai thực hiện Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP tập trung thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả, đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, hấp dẫn, tạo động lực cho thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp.

Đặc biệt, thực hiện tốt việc chuyển nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, các ngành từ quản lý sang phục vụ…

- Có quan điểm rằng, thủ tục đầu tư của Bộ, ngành TƯ vẫn còn những “rào cản” khiến thời gian đầu tư kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ cũng như cơ hội cho nhà đầu tư vào Yên Bái nói riêng, cả nước nói chung. Quan điểm của ông?

Đúng vậy. Theo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TW thì, cả nước có khoảng 3.407 điều kiện kinh doanh trực thuộc đủ mọi ngành nghề. Trong đó một số ngành có số điều kiện kinh doanh nhiều nhất như Công Thương với 400 điều kiện, y tế 327 điều kiện. Các điều kiện kinh doanh này giống như “giấy phép con” nằm trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

Những năm gần đây Chính phủ đã nỗ lực trong xây dựng và thực thi cải cách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo thuận lợi và thúc đẩy sự phát triển kinh tế tư nhân và cộng đồng doanh nghiệp. Minh chứng là Nghị quyết số 19, 35. Các chính sách đều xác định và nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm của cải thiện môi trường kinh doanh là bãi bỏ các rào cản, quy định điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý, mở rộng khả năng tham gia thị trường, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.

Tôi cho rằng, ngoài việc Yên Bái rà soát, bổ sung, sửa đổi các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.... các Bộ, cơ quan ngang Bộ cần có trách nhiệm rà soát, đánh giá tình hình thực hiện các quy định về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và các điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi chức năng quản lý của mình…

- Mục tiêu của Yên Bái về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thời gian tới, thưa ông?

Yên Bái phấn đấu đến năm 2020, sự hài lòng của cá nhân đối với dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công cung cấp trên các lĩnh vực giáo dục, y tế đạt mức trên 80%; người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính nhà nước đạt mức trên 80%; 90% các văn bản, tài liệu chính thức trao đổi giữa các cơ quan hành chính nhà nước được thực hiện dưới dạng điện tử; sử dụng thống nhất biểu mẫu điện tử trong giao dịch giữa cơ quan hành chính nhà nước, tổ chức và cá nhân.

- Xin cảm ơn ông!