Yên Bái: Giải pháp tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Do đó, để tạo một môi trường đầu tư thông thoáng, cởi mở và minh bạch, tỉnh đang tập trung đẩy mạnh chỉ đạo các cấp, các ngành và UBND các địa phương từng bước cải thiện môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường sản xuất kinh doanh, môi trường đầu tư thân thiện, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp hoạt động và nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh. Phấn đấu đến năm 2016, Yên Bái xếp ở vị trí trung bình khá trở lên trong bảng xếp hạng.
Để khắc phục các hạn chế cũng như khai thác những lợi thế của tỉnh về môi trường đầu tư, môi trường kinh doanh, thể hiện sự năng động của địa phương nhằm đạt được mục tiêu nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, vươn lên nhóm có thứ hạng tốt, duy trì thứ hạng, không để tụt hạng, củng cố và nâng cao các chỉ số điểm thành phần trong năm 2015 và những năm tiếp theo thì các cấp, ngành, chính quyền địa phương cần phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa, minh bạch, công khai các thủ tục hành chính, xây dựng ngày càng tốt hơn nền hành chính công theo hướng phục vụ.
Đồng thời, nâng cao hơn nữa nhận thức về tầm quan trọng của chỉ số PCI đối với môi trường đầu tư kinh doanh; thực hiện tốt cơ chế “một cửa liên thông” trên các lĩnh vực, khắc phục tình trạng treo biển “một cửa liên thông” nhưng người dân và doanh nghiệp vẫn phải đi qua nhiều phòng, ban, mất nhiều thời gian làm thủ tục; đề ra giải pháp để khắc phục những hạn chế ở từng khâu trong chỉ số điểm mà chỉ số PCI đã phản ánh; tạo điều kiện thuận lợi nhất để cộng đồng doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu rõ hơn về chiến lược, định hướng và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Cùng với đó, Yên Bái cần sớm giải quyết nhanh các thủ tục, vướng mắc liên quan, tạo điều kiện để doanh nghiệp đầu tư, phát triển; nghiêm túc chấn chỉnh những cán bộ, công chức, viên chức có thái độ cửa quyền, gây phiền nhiễu, phân biệt đối xử với doanh nghiệp. Bên cạnh sự nỗ lực của doanh nghiệp thì các cấp, các ngành và chính quyền địa phương cần phải có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ đồng bộ, hiệu quả cho các doanh nghiệp như: hỗ trợ về vốn, tiếp cận các nguồn tín dụng; hỗ trợ về khoa học - kỹ thuật - công nghệ, hỗ trợ đổi mới dây chuyền, thiết bị sản xuất hiệu quả, sản xuất sạch hơn; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực trong doanh nghiệp; hỗ trợ công tác xúc tiến thương mại...
Bên cạnh đó công khai, minh bạch về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch đất đai, quy hoạch ngành, dự án kêu gọi đầu tư, về các nguồn vốn, lãi suất cho vay… Sau hội nghị tiếp xúc giữa lãnh đạo tỉnh với doanh nghiệp hàng năm, tỉnh cần có những chỉ đạo quyết liệt đối với các sở, ngành và chính quyền các địa phương tìm giải pháp giải quyết các kiến nghị của doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp kịp thời và hiệu quả.
Đối với doanh nghiệp, cần tận dụng tối đa cơ chế, chính sách hỗ trợ của Nhà nước một cách hiệu quả, tránh thụ động, trông chờ, ỷ lại; tăng cường nâng cao năng lực của chủ doanh nghiệp, giám đốc và cán bộ quản lý trong các doanh nghiệp về quản trị kinh doanh, quản trị chiến lược; thường xuyên cập nhật tri thức mới, những kỹ năng cần thiết (kỹ năng quản trị trong cạnh tranh, lãnh đạo doanh nghiệp, khả năng thuyết trình, đàm phán và giao tiếp...) để có đủ sức cạnh tranh trên thị trường và tiếp cận kinh tế tri thức trong thời buổi hội nhập. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh với nhau để nâng cao chất lượng sản phẩm, sức cạnh tranh trên thị trường vì hiện nay, Yên Bái có tới 95% doanh nghiệp là doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh yếu, năng lực hạn chế. Sự liên kết và hợp tác doanh nghiệp cần được thực hiện thông qua các biện pháp và hình thức phù hợp.
Điều quan trọng nhất là giải quyết hài hòa lợi ích của các bên tham gia liên kết, chỉ như vậy mới thực sự phát huy hiệu quả của liên kết hợp tác, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn bộ doanh nghiệp trong nền kinh tế nhằm cải thiện năng lực cạnh tranh và phù hợp với tiến trình hội nhập... Nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm hàng hoá dịch vụ, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp như sắp xếp lại hoạt động sản xuất, điều chỉnh chiến lược kinh doanh, phát triển nguồn nhân lực có trình độ, đầu tư công nghệ mới, áp dụng phương pháp quản lý mới để tạo ra những sản phẩm có giá thành phù hợp, giá trị gia tăng cao, có khả năng chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu.
Quang Thiều
Theo báo Yên Bái ngày 10/11/2015