The Provincial Competitiveness Index ( PCI )

CHỈ SỐ NĂNG LỰC CẠNH TRANH CẤP TỈNH

Provincial Green Index

English

Yên Bái nỗ lực thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp

Hiện nay, Yên Bái có 4 khu công nghiệp, với tổng diện tích 722 ha, trong đó có 3 khu công nghiệp quốc gia, 1 khu công nghiệp của tỉnh và 10 cụm công nghiệp, với tổng diện tích 398,78 ha. Đặc biệt các khu công nghiệp của tỉnh đều được quy hoạch bám sát đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, rất thuận lợi cho nhà đầu tư trong lưu thông hàng hóa.

Các nhà đầu tư Hàn Quốc tìm hiểu, khảo sát khu công nghiệp Âu Lâu.

Những năm qua, để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp, Yên Bái đã tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù thu hút các nhà đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; hỗ trợ, tạo điều kiện để các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay dài hạn với lãi suất ưu đãi để thực hiện tốt công tác đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng và xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu công nghiệp.
Đến nay, các khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh đã thu hút được 35 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt Khu công nghiệp phía Nam hoạt động hiệu quả thu hút được 29 dự án đầu tư, với tổng số vốn đầu tư trên 6 nghìn tỷ đồng trong đó đã có 19 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh tập trung vào các lĩnh vực sản xuất chế biến nông, lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, xây dựng cao cấp, công nghiệp luyện gang thép, chế biến khoáng sản, sản xuất, chế biến bột đá.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 10 cụm công nghiệp với tổng diện tích 398,78 ha. Tổng số nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng 307,748 tỷ đồng, trong đó tổng vốn đã đầu tư trên 98 tỷ đồng tập trung chủ yếu vào đền bù, san tạo mặt bằng, đường giao thông nội bộ, cấp điện, cấp nước. Đến nay đã có 44 dự án đăng ký đầu tư vào các cụm công nghiệp, với tổng vốn đầu tư đăng ký 2.266 tỷ đồng, trong đó có 38/44 dự án đã đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư 818,608 tỷ đồng, thu hút được 1.854 lao động tại các địa phương. Hoạt động có hiệu quả là Cụm công nghiệp Đầm Hồng, (xã Văn Phú) thành phố Yên Bái với diện tích 16 ha. Với việc đầu tư san tạo và giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng đường giao thông nội bộ, cấp điện, nước với tổng vốn đầu tư trên 15 tỷ đồng, đến nay đã có 22 doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng vốn đầu tư gần 105 tỷ đồng, tỷ lệ lấp đầy 100%.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thu hút các nhà đầu tư vào các KCN còn hạn chế và để lấp đầy các KCN, cụm công nghiệp cần có sự nỗ lực cao trong thu hút đầu tư. KCN Minh Quân với diện tích quy hoạch 112 ha nhưng mới thu hút được 4 dự án đầu tư với tổng diện tích đất sử dụng 10,06 ha. Trong đó mới có 1 dự án đi vào hoạt động còn 3 dự án đang trong quá trình đầu tư xây dựng. KCN Âu Lâu với diện tích 118 ha nhưng đến nay mới thu hút được 2 dự án đầu tư với diện tích cho thuê là 22 ha, đạt tỷ lệ lấp đầy 27,14%, trong đó mới có 1 dự án đi vào hoạt động, 1 dự án đang chậm tiến độ…Qua đó có thể thấy các KCN trong thời gian vừa qua mặc dù đã được tỉnh quan tâm đầu tư cơ bản về hạ tầng, tuy nhiên vẫn chưa đủ sức hấp dẫn các nhà đầu tư, và tỷ lệ lấp đầy chưa tương xứng với quy mô, tiềm năng các KCN đã được quy hoạch.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiền - Trưởng Ban Quản lý các Khu Công nghiệp thì nguyên nhân các KCN chưa hấp dẫn các nhà đầu tư là do Yên Bái là tỉnh miền núi, ít có lợi thế về địa lý, trình độ dân trí, khả năng tay nghề người lao động thấp. Hơn nữa, chưa có được nhà đầu tư sơ cấp quan tâm đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng các KCN nên các KCN của tỉnh hiện chỉ mới được đầu tư từ ngân sách và vì nguồn lực còn quá khiêm tốn nên hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài hàng rào của các KCN chưa được đầu tư đồng bộ; Hầu hết các KCN của tỉnh đều chưa được đầu tư các công trình phúc lợi công cộng phục vụ cho người lao động cũng như cho các đơn vị sản xuất kinh doanh trong các KCN…Các KCN của tỉnh Yên Bái chưa có được cơ chế chính sách riêng, đủ mạnh để thu hút được các nhà đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng các KCN.

Thời gian tới, để đẩy mạnh thu hút đầu tư vào các KCN, cụm công nghiệp, tỉnh cần cần xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, có tính khả thi cao và phù hợp với điều kiện về kinh phí, phương thức và thời gian thực hiện; Phải có sự lựa chọn để có được các dự án có quy mô lớn, sản phẩm có tính cạnh tranh cao, chất lượng, có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường…; đặc biệt quan tâm đến các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong các KCN như giao thông, xử lý nước thải tập trung của KCN, xử lý chất thải rắn…;Song song với việc coi trọng cải thiện môi trường đầu tư, tỉnh cần hết sức quan tâm đến nhiệm vụ hỗ trợ các nhà đầu tư giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai đầu tư và sản xuất kinh doanh trong các KCN; tiếp tục đầu tư cho xây dựng hạ tầng như đường giao thông, hệ thống điện, cấp nước, nhất là hệ thống xử lý nước thải tập trung, xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ ưu đãi đầu tư đối với các dự án đầu tư phát triển KCN, cụm công nghiệp, đặc biệt là chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư kinh doanh kết cấu hạ tầng trong các cụm công nghiệp.

Hiền Trang