Yên Bái: PCI cao - nhà đầu tư “đổ bộ”
Hiện nay, Yên Bái có trên 1.550 doanh nghiệp, trong đó có 22 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 213 triệu USD.
Dây chuyền may công nghiệp của Công ty TNHH DaeSeung Global.
Không dừng lại ở đó, Yên Bái đang quyết tâm xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thực sự thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn, thuận lợi, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư.
Với phương châm: “Các nhà đầu tư đến Yên Bái là công dân Yên Bái, sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”... Yên Bái đặc biệt chú trọng đến cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nhất là hoạt động xúc tiến đầu tư tại chỗ. Năm 2016, Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 38 dự án mới (UBND tỉnh cấp 34 dự án, Ban Quản lý các khu công nghiệp cấp 4 dự án), với tổng vốn đăng ký trên 13.181 tỷ đồng.
Cũng trong năm 2016, có 23 dự án được cấp quyết định điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư (nông lâm nghiệp và thủy sản 8 dự án, công nghiệp chế biến nông, lâm sản thực phẩm 3 dự án, công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản 8 dự án, công nghiệp sản xuất và phân phối điện 4 dự án, còn lại là các dự án kinh tế khác).
Hiện, Yên Bái có 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 205 triệu USD. Trong 6 tháng đầu năm 2017, công tác thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp được triển khai có hiệu quả.
Yên Bái đã làm việc, giới thiệu và thỏa thuận nhiều dự án mới, nhiều dự án đầu tư lớn được ký kết như: Dự án Khu liên hợp công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị IC12 do Công ty cổ phần Hoa Sen Yên Bái đầu tư; dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới tại xã Tân Thịnh, phường Đồng Tâm và phường Yên Thịnh thành phố Yên Bái do Công ty cổ phần Tập đoàn kinh tế Chân - Thiện - Mỹ; Dự án Đầu tư nhà máy vật liệu xây dựng Hoa Sen Yên Bái đầu tư tại xã Minh Quân, Bảo Hưng, huyện Trấn Yên...
Trong 6 tháng qua, Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 23 dự án, tăng 9 dự án so với cùng kỳ, với tổng vốn đầu tư gần 9.500 tỷ đồng, tăng trên 5.000 tỷ so với cùng kỳ. Ngoài ra, còn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho 100 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký gần 1 ngàn tỷ đồng. Cấp giấy chứng nhận hoạt động cho 15 chi nhánh và 6 văn phòng đại diện.
Nhờ vậy, đến nay Yên Bái có trên 1.673 doanh nghiệp, trong đó có 19 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 213 triệu USD.
Sự đột phá mạnh mẽ trong xúc tiến đầu tư, nên các doanh nghiệp đến Yên Bái đầu tư ngày một nhiều, kết quả thu hút vốn đầu tư tăng dần qua các năm. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố tháng 3/2017 Yên Bái xếp thứ hạng 47/63 tỉnh, thành phố (tăng 4 bậc so với năm 2015 và 8 bậc so với 2014), chuyển vị trí xếp hạng từ nhóm trung bình lên nhóm khá.
So với các tỉnh miền núi phía Bắc thì Yên Bái xếp 6/14, cao hơn Hòa Bình, Lạng Sơn, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Bắc Cạn, Lai Châu và Cao Bằng.
Phát huy kết quả đã đạt được, Yên Bái tiếp tục thực hiện cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh phấn đấu hết năm 2017 PCI xếp ở vị trí từ 38 - 42.
Kết luận tại Hội nghị đánh giá thực hiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Đức Duy khẳng định: “Yên Bái sẽ tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp và lấy doanh nghiệp là đối tượng được phục vụ. Cùng với đó là thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính như phí, thuế, đổi mới đa dạng hóa thông tin, gặp gỡ trao đổi, lắng nghe doanh nghiệp, tích cực tháo gỡ khó khăn các trở ngại đối với doanh nghiệp...”.
Bên cạnh đó, các nhà đầu tư đến với Yên Bái sẽ được hưởng những cơ chế chính sách riêng và tùy thuộc vào từng lĩnh vực. Yên Bái cũng đã và đang tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược “cải cách thể chế, đầu tư hạ tầng kinh tế, xã hội mà trọng tâm là hạ tầng giao thông và phát triển nguồn nhân lực”.
Đẩy mạnh thu hút vào các lĩnh vực trọng tâm mà tỉnh có lợi thế như: nông, lâm nghiệp, thủy sản; du lịch - dịch vụ; công nghiệp sạch, công nghệ cao. Tập trung thu hút vào các dự án trọng điểm như: xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng khu kinh tế, khu công nghiệp và công nghiệp phụ trợ. Xây dựng bộ máy hành chính phục vụ, kiến tạo, liêm chính, thực sự sát cánh, đồng hành cùng doanh nghiệp.