Yên Bái trên đường hội nhập và phát triển
Là tỉnh miền núi, gần 54% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số, cửa ngõ kết nối giao thông, hợp tác giao lưu văn hóa và phát triển kinh tế - xã hội với các tỉnh vùng Tây Bắc, có vị trí đặc biệt quan trọng trong tuyến hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, với đầy đủ hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy và đường hàng không trong tương lai, thuận lợi cho việc vận chuyển hành khách cũng như vận tải hàng hóa đi tới các vùng, miền và các địa phương trong tỉnh và trong khu vực. Trong gần một năm qua, thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW của Bộ Chính trị, về đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, đến ngày 12- 8- 2015, các đảng bộ trực thuộc Đảng bộ tỉnh đã hoàn thành chỉ đạo, tổ chức đại hội. Đại hội Đảng các cấp của tỉnh đã tổ chức thành công, nhanh gọn, đạt kết quả cao, tạo ra được không khí vui tươi, phấn khởi, thống nhất trong toàn Đảng bộ, là tiền đề quan trọng, thiết thực để tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 18 thành công, góp phần tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Để có được kết quả nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung cao độ, chỉ đạo sát sao công tác chuẩn bị, tổ chức Đại hội Đảng các cấp theo đúng tinh thần Chỉ thị số 36 và các văn bản hướng dẫn của T.Ư; phân công cho từng đồng chí trong Ban Thường vụ theo dõi, chỉ đạo từng đảng bộ trực thuộc; chỉ đạo làm tốt công tác chuẩn bị đại hội bảo đảm đúng tiến độ, quy trình, nguyên tắc và chất lượng; nắm chắc tình hình tư tưởng cán bộ, đảng viên và nhân dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vấn đề phát sinh; Thường trực Tỉnh ủy trực tiếp làm việc và kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội của tất cả các đảng bộ trực thuộc, chỉ đạo giải quyết khắc phục những hạn chế, tạo đồng thuận cao trong đảng bộ và trong nhân dân, tổ chức thành công đại hội của tất cả 13 đảng bộ trực thuộc theo đúng kế hoạch. Song song với chỉ đạo đại hội, các cấp ủy đã lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, tổ chức các phong trào thi đua, các công trình, phần việc chào mừng Đại hội Đảng các cấp, qua đó góp phần quan trọng để kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục duy trì được đà phát triển, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, hệ thống chính trị tiếp tục được củng cố vững chắc. Những kết quả đạt được đã góp phần quan trọng vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ 17. Đến nay, Yên Bái hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu Nghị quyết Đảng bộ đề ra: tốc độ tăng trưởng kinh tế năm sau cao hơn năm trước, bình quân tăng 11,33%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực; tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp giảm từ 24,54% xuống còn 22,92%; dịch vụ tăng từ 42,88% lên 45,07%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt hơn 25 triệu đồng, tăng 2,1 lần so với năm 2010. Ngoài chính sách hỗ trợ của T.Ư, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách và hằng năm bố trí hơn 40 tỷ đồng để tập trung đầu tư cho sản xuất nông, lâm nghiệp. Tổng sản lượng lương thực đạt hơn 270.000 tấn/năm, bảo đảm an ninh lương thực; đã hình thành được một số vùng sản xuất tập trung, các mô hình sản xuất có hiệu quả, đặc biệt là bước đầu đã xây dựng được mối liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp, vùng nguyên liệu (chè, quế, cây công nghiệp) gắn với cơ sở chế biến. Công tác khoanh nuôi, bảo vệ và trồng rừng được đẩy mạnh, tỷ lệ che phủ rừng năm 2015 đạt 62%. Chăn nuôi phát triển theo hướng trang trại, gia trại, giá trị gia tăng bình quân 1,5%/năm. Chương trình nông thôn mới được chỉ đạo toàn diện, đã huy động được hơn 5.550 tỷ đồng đầu tư cho chương trình, đến nay, có năm xã đạt chuẩn nông thôn mới, 37 xã đạt từ 10 tiêu chí trở lên. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng bình quân 10,7%; thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng khá; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng bình quân tăng 16,1%/năm; giá trị xuất khẩu bình quân 5 năm tăng 14,21%; các dịch vụ y tế, giáo dục, ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, vận tải... phát triển khá nhanh. Kết cấu hạ tầng được quan tâm đầu tư, tỉnh đã thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu đầu tư công, đến nay, Yên Bái cơ bản không còn nợ đọng xây dựng cơ bản và bố trí đủ vốn cho một số công trình, dự án thiết yếu, trọng điểm của tỉnh. Giai đoạn 2010 - 2015 đã huy động được 41,433 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư, bằng 224% giai đoạn 2006 - 2010, vượt 21,6% so Nghị quyết Đại hội, trong đó vốn xã hội chiếm 58,82%; hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển vượt bậc, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, y tế, giáo dục với nhiều công trình trọng điểm đã hoàn thành, là động lực thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội của tỉnh (các quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cấp, đường nối thành phố với cao tốc Nội Bài - Lào Cai, 92,3% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã; bệnh viện đa khoa 500 giường bệnh, Trường cao đẳng Nghề, Trường chuyên Nguyễn Tất Thành, hệ thống các trường dân tộc bán trú...). Các thành phần kinh tế, loại hình doanh nghiệp tăng cả về số lượng và hiệu quả hoạt động. Đến nay, toàn tỉnh có 1.483 doanh nghiệp, tăng gần 33% so với năm 2010; hơn 330 hợp tác xã và 2.500 tổ hợp tác, thu hút hơn 60.000 lao động, doanh thu gấp hai lần so với đầu nhiệm kỳ. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 4%/năm; có 178 trong số 180 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi; tất cả 9 huyện, thị xã có trung tâm dạy nghề, tỷ lệ lao động qua đào tạo là 45% và hằng năm giải quyết việc làm mới cho hơn 17.500 lao động; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân có chuyển biến tích cực, đã hoàn thành đưa vào hoạt động Bệnh viện Đa khoa tỉnh 500 giường, Bệnh viện Lao phổi, Bệnh viện Sản nhi và 85% số người dân tham gia bảo hiểm y tế; hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục thể thao, báo chí tiếp tục phát triển, 100% số xã có in-tơ-nét. Quốc phòng, an ninh được tăng cường; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn, từng bước củng cố và nâng cao chất lượng phong trào ở các địa bàn trọng điểm về an ninh, trật tự, vùng tập trung tín đồ tôn giáo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh. Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, đã kết nạp được gần 11.000 đảng viên mới, tăng 18,93% so với chỉ tiêu Đại hội đề ra; đào tạo được 100 tiến sĩ, thạc sĩ, 500 cán bộ chủ chốt xã, thị trấn có bằng đại học. Chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên và năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng bộ, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước không ngừng được nâng lên. Phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới, đã tăng cường cấp ủy cấp trên làm việc với cấp ủy cấp dưới. Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng đảng hiện nay" gắn với Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị "Tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" bước đầu có hiệu quả rõ rệt, các khuyết điểm, yếu kém được quan tâm khắc phục cơ bản, nội bộ cấp ủy ngày càng đoàn kết hơn. Công tác tư tưởng, kiểm tra, nội chính, dân vận và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội có sự đổi mới tích cực. Đảng bộ tỉnh đã rút ra năm bài học kinh nghiệm, trong đó bài học thường xuyên chăm lo củng cố, xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh toàn diện; bài học về vận dụng sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, triển khai thực hiện nghiêm, có hiệu quả chính sách, pháp luật của Nhà nước, đồng thời dự báo và nắm bắt nhanh những diễn biến mới để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, có sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, coi trọng dân chủ, lắng nghe ý kiến nhân dân đóng vai trò hết sức quan trọng. Thời gian tiếp theo, tỉnh Yên Bái tiếp tục đổi mới toàn diện; phát huy truyền thống đoàn kết, huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế với tốc độ tăng trưởng hợp lý và bền vững; tăng cường mở rộng các hoạt động đối ngoại, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế địa phương; đẩy mạnh phát triển văn hóa - xã hội, tiến bộ và công bằng xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; tăng cường củng cố, xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh, xây dựng Yên Bái phát triển toàn diện, bền vững, trở thành tỉnh phát triển khá vùng trung du miền núi phía bắc. Tiếp tục phát huy mạnh mẽ, khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý, đất đai, nông, lâm nghiệp, chăn nuôi, khoáng sản, thủy điện, dịch vụ, du lịch, giao thông (đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đường sắt Yên Bái - Hà Nội, đường sông), trục hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lào Cai - Hải Phòng, lợi thế giáp Hà Nội và vùng động lực... để bứt phá mạnh các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, công nghiệp vật liệu xây dựng, công nghiệp chế biến nông, lâm sản, dịch vụ, du lịch, giảm nghèo bền vững, xây dựng cơ sở hạ tầng tạo đột phá để đẩy mạnh cơ cấu nền kinh tế nhanh và bền vững. Tích cực, chủ động xây dựng liên kết vùng và hội nhập sâu hơn với các tỉnh trong khu vực để phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện, bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới trên cơ sở khai thác, tận dụng tối đa lợi thế của từng vùng, từng địa phương. Tiếp tục phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại gắn với bảo vệ môi trường và tiết kiệm tài nguyên, duy trì tốc độ tăng trưởng cao theo hướng sản xuất, chế biến sâu. Phát triển mạnh mẽ lĩnh vực dịch vụ, thương mại, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; đa dạng hóa các loại hình đầu tư (BOT, BT, PPP...) nhằm huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế để phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng điểm là hạ tầng giao thông kết nối, các chương trình, dự án trọng điểm của tỉnh, đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng cao, phấn đấu giảm nghèo bình quân hằng năm đạt hơn 6% trở lên. Trước mắt, Yên Bái tiếp tục trải thảm đỏ thu hút nhà đầu tư vào các lĩnh vực có lợi thế như: khai thác, chế biến sâu khoáng sản; nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu nông, lâm sản; du lịch, sân gôn; dệt may. Trong đó, với lợi thế có bốn khu công nghiệp tập trung với diện tích hơn 1.200 ha đang chờ đón các nhà đầu tư vào cùng hợp tác làm ăn. Danh thắng Ruộng bậc thang Mù Cang Chải cùng nét văn hóa đặc sắc dân tộc Thái vùng Mường Lò, mở ra tiềm năng du lịch mới về một vùng Tây Bắc còn đầy huyền bí, hấp dẫn du khách gần xa. Yên Bái hội nhập và phát triển cùng đất nước.
PHẠM DUY CƯỜNG Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái
Theo báo Nhân Dân ngày 27/09/2015